Nội khoa là 1 chuyên khoa rất lớn của Y khoa, đây cũng là cơ sở của tất cả các chuyên khoa khác đều dựa trên nền tảng Nội khoa. Nội khoa được hiểu đơn giản là khám bệnh, khai thác triệu chứng, tìm ra nguyên nhân và điều trị bệnh bằng thuốc. Trong chương trình của ĐH Tây Nguyên: Môn Nội cơ sở bao gồm cách khám bệnh, cách khai thác triệu chứng. Sau đó từ đó chúng ta sẽ đc học cách chẩn đoán bệnh trong môn Nội BL1 và 2 ở y4, và cách điều trị bệnh học ở y6. .
Để học tốt môn Nội, các bạn phải liên hệ nhiều môn cơ sở như: Giải phẫu, sinh lí, sinh lí bệnh, giải phẫu bệnh, kí sinh trùng, vi sinh,… vì chúng ta phải tổng hợp kiến thức từ nhiều môn khác nhau, để khai thác triệu chứng, giải thích triệu chứng, tìm ra nguyên nhân, từ đó chẩn đoán bệnh và điều trị bệnh dựa trên triệu chứng và nguyên nhân đó. Cho nên khi học môn Nội, các bạn nên giữ lại sách các môn khác để ôn lại kiến thức cũ.
Hiện tại mình đang là 1 SV năm 4, đã học xong Nội cơ sở, Nội bệnh lí 1 và Nội bệnh lí 2. Và định hướng của mình là theo hệ Ngoại Sản, cho nên giới hạn bài viết này chỉ trong tầm hiểu biết của bản thân, nếu có gì thiếu xót mong mọi người có thể bỏ qua.
Sau đây là 1 số kinh nghiệm của mình về học môn Nội, hi vọng có thể giúp được các bạn:
1/ Quan trọng nhất khi đi BV là kĩ năng làm bệnh án. Chắc hẳn là những hôm đầu đi BV, chúng ta sẽ được thầy cô hướng dẫn làm bệnh án. Sau đó sẽ có vài buổi bình bệnh án. Tuy nhiên mình thấy như vậy vẫn chưa đủ để thi vì số lượng SV quá đông. Cho nên trong thời gian đi LS, các bạn hãy hỏi xin bệnh án cũ của các anh chị y4, y6 để tham khảo. Tự làm cho bản thân mỗi tuần 1-2 bệnh án để rèn luyện. Sau đó nhờ thêm vài Boss Nội khoa kiểm tra lại và sữa lỗi sai nhé.
* Có nhiều lỗi hay mắc phải như là:
a/ Khai thác bệnh sử quá sơ sài. Ví dụ bệnh nhân bị đau bụng phải nhập viện, các bạn nên khai thác đủ 8 tính chất đau (thời gian khởi phát, cường độ đau, tính chất đau, thời gian cơn đau, yếu tố thúc đầy – làm dịu,…), hoặc khai thác được càng nhiều càng tốt. Rồi các triệu chứng khác như sự khó thở, ho, đờm, tính chất nôn, phân… đều phải khai thác thật kĩ. Cách khai thác triệu chứng này trong môn Nội cơ sở mô tả khá kĩ.
b/ Bệnh sử phải sắp xếp theo thứ tự thời gian, triệu chứng nào xuất hiện trước mô tả trước, triệu chứng nào quan trọng, liên quan nhiều đến chẩn đoán thì nên mô tả thật kĩ. Có “1 vài” triệu chứng không quan trọng và không liên quan đến bệnh thì nên “lược bỏ” (chỉ nên làm điều này khi làm bệnh án để đơn giản hóa bệnh án của mình, sau này đi làm thì không nên như thế nhé!)
c/ Phần tiền sử, khá nhiều bạn “quên” khai thác tiền sử dị ứng thuốc và tiền sử gia đình có bệnh liên quan. Ví dụ BN bị dị ứng Paracetamol, 1 thuốc khá phổ biến, nếu không chú ý có thể để hậu quả nghiêm trọng. BN có bố hoặc mẹ bị chết do nhồi máu cơ tim, hoặc THA, ĐTĐ,… những điều này khá có lợi cho việc chẩn đoán.
d/ Khi thăm khám hiện tại, đầu tiên là khám toàn thân (Ý thức, tinh thần, da niêm, hạch, dấu hiệu sinh tồn..). Sau đó đến các hệ cơ quan, cơ quan nào bị bệnh thì nên đưa lên trên, quant trọng hơn đưa lên trước, sau đó đến các cơ quan khác. Ví dụ: BN bị bệnh tim (Toàn thân -> Tuần hoàn -> Hô hấp … ), BN bị bệnh Thận (Toàn thân -> Tiết niệu -> Tuần hoàn -> Hô hấp à …).
e/ Cần mô tả triệu chứng của từng hệ cơ quan theo thứ tư: Triệu chứng cơ năng (thông qua hỏi bệnh) -> Triệu chứng thực thể (nhìn sờ gõ nghe) hoặc (nhìn nghe gõ sờ – đối với khám bụng).
Ví dụ: BN ăn uống bình thường; không nôn, không buồn nôn; không đau bụng; đi cầu phân vàng; thành bụng cân đối, di động theo nhịp thở; âm ruột đều 4 lần/ phút; gõ trong khắp bụng; bụng mềm, gan lách không sờ chạm)
f/ Trong phần tóm tắt bệnh án, câu đầu tiên: BN nam/nữ, xx tuổi, “nghề nghiệp …”, vào viện với lí do …. Trong đó nên đưa vào thêm nghề nghiệp, vì có thể nó sẽ gợi ý cho chẩn đoán, ví dụ BN làm công nhân ở mỏ khai thác quặng Silic, sẽ có thể liên quan đến Bệnh bụi phổi Silic, hoặc BN làm nông dân, bốc vác có thể liên quan đến làm việc gắng sức 1 thời gian lâu dài, gây suy tim…
g/ Trong phần tóm tắt bệnh án, sau khi mô tả các hội chứng, triệu chứng. Sau đó có thể đưa thêm tiền sử vào cuối, nếu có liên quan đến chẩn đoán. Ví dụ: BN bị suy thận mạn, sau khi mô tả Hội chứng ure máu tăng và hội chứng thiếu máu. Nếu tiền sử có bất thường như tiền sử bị viêm cầu thận, sỏi thận, nhiễm trùng tiết niệu.. thì nên đưa thêm vào.
h/ Sau phần tóm tắt bệnh án, là chẩn đoán sơ bộ. Còn mục “Cận lâm sàng” thì tùy vào quan điểm của giáo viên, có GV đưa CLS trước tóm tắt bệnh án, có GV đưa CLS sau chẩn đoán sơ bộ và chẩn đoán phân biệt. Phần CLS, gồm CLS đề nghị để làm rõ chẩn đoán, và CLS đã có.
i/ Một lỗi sai hay thường gặp lúc làm Bệnh án, đó là sau phần CLS và biện luận. Nếu có tất cả hoặc đủ các hội chứng và triệu chứng theo tiêu chuẩn chẩn đoán thì mới được đưa ra “Chẩn đoán xác định”. Còn nếu chưa đủ triệu chứng, CLS thì kết luận bằng mục “Chẩn đoán cuối cùng” thay cho Chẩn đoán xác định.
=> Còn rất nhiều lỗi nho nhỏ nữa nhưng mình không đề cập trên đây. Tóm lại làm bệnh án là cả 1 quá trình rèn luyện, rất cần 1 người hỗ trợ và sửa lỗi. Cho nên các bạn hãy “làm thân” với các anh chị khóa trên để được giúp đỡ nhé. Và hãy thật tranh thủ các buổi bình bệnh án của thầy cô để tìm ra lỗi sai của mình nhé. Làm bệnh án hãy thật “thông minh”, khai thác đủ – đúng triệu chứng, không khai thác dài – lan man.
2/ Sau kinh nghiệm làm bệnh án đó là kinh nghiệm tiếp xúc và khai thác bệnh sử từ bệnh nhân, đây là 1 quá trình lâu dài. Lúc đầu các bạn có thể đi theo thầy cô, các anh chị để tham khảo, sau đó hãy tự mình đi khám và hỏi bệnh. Sau đây là 1 số kinh nghiệm của mình.
a/ Không được run, phải tự tin! Người ta bảo “quan trọng nhất là thần thái”! Đùa chớ muốn được như thế, trước khi hỏi bệnh, các bạn nên đọc sơ qua bệnh định hỏi, tìm ra câu hỏi định hỏi và sẽ hỏi ngoài để khai thác đủ triệu chứng của bệnh. Sau đó hãy tự tin và đến hỏi bệnh nhân nhé. Hãy hỏi thêm 1 vài câu hỏi thăm sức khoẻ, có thể là không liên quan đến chẩn đoán để tạo thêm cảm giác thoải mái của BN khi nói chuyện, tạo sự tin tưởng cho BN, từ đó họ sẽ thấy thoải mái và sẽ trả lời hết câu hỏi của chúng ta. Ví dụ như: Bác/anh/chị thấy hôm nay khoẻ hơn chưa? Có ăn cơm nước gì chưa? Ngủ có ngon giấc không? Nhà ở đâu? … v.v.. Hãy hỏi thăm quan tâm họ thường xuyên, không chỉ riêng BN mới, kể cả các BN mà ta đã khám hôm qua. Càng tạo được thiện cảm, bạn sẽ càng dễ học được nhiều điều từ “người thầy lâm sàng” này.
b/ Không nên tụ tập cả đám, thứ nhất là ồn ào, nóng nực, gây khó chịu cho bệnh nhân. Hoặc bệnh nhân đã được các BS hay anh chị khám rồi thì không nên khám lại! Cho nên lúc anh chị, bác sĩ khám thì hãy đi theo xem và ghi chú lại. Nếu có thắc mắc hay triệu chứng nào không rõ thì mới quay lại “hỏi thêm”.
c/ Nếu rãnh, hãy tranh thủ đi thêm vào buổi tối và cuối tuần. Lúc này sinh viên thì ít, đây là cơ hội cho các bạn học tập tốt nhất. Các bạn có thể giúp đỡ các BS, các anh chị nhận bệnh mới, khai thác triệu chứng và tập “chẩn đoán” và đưa ra hướng điều trị.
d/ Một thiên đường học tập khác, đó chính là “khoa Cấp cứu”. Đây là 1 nơi lí tưởng để các bạn học tập, tuy nhiên do áp lực khá lớn, thao tác nhanh nhẹn, cho nên ở khoa Cấp cứu các bạn phải thật là nhanh tay, nhanh mắt, nhưng vẫn giữ 1 cái đầu lạnh tỉnh táo. Các anh chị ở khoa Cấp cứu cũng rất thân thiện, tuy nhiên nếu bạn mới xuống đây học tập và lay chân cứ luống cuống sẽ bị “ăn chửi” đấy nhé. Cho nên hãy cố gắng làm thân các anh chị điều dưỡng, các BS ở đây, giúp họ làm việc, họ sẽ tạo điều kiện lại cho các bạn học tập. Các anh chị BS ở đây cũng rất giỏi, các bạn có thể tranh thủ hỏi bài cũng được. Hehee
3/ Điều quan trọng thứ 3, đó chính là kiến thức. Và đây cũng là điều quan trọng nhất. Bạn có thể đi BV cả năm, nhưng mang 1 cái đầu rỗng thì điều đó cũng không có ích gì. Do đó việc tự học lí thuyết ở nhà là 1 điều quan trọng. Hãy tranh thủ các buổi giảng lâm sàng ở BV. Hãy tranh thủ hỏi bài các anh chị khóa trên, các BS lúc họ rãnh. Các bạn nên vừa đi BV, vừa tranh thủ ôn đề cương Nội nhé, coi nhưng 1 công 2 việc. Ngoài ra nên mua thêm sách Nội BL của ĐH Tây Nguyên và 2 cuốn Nội BL của ĐH Y Hà Nội. Cho nên trước khi đi 1 khoa nào đó, nên đọc sơ qua lí thuyết của chương đó. Ví dụ tuần sau bạn đi khoa Nội tim mạch, thì đọc sơ trước chương Tim mạch. Nên đọc bài trước khi đi BV, ví dụ ngày mai, nhóm trưởng liên hệ được BS học bài “Khám BN xơ gan” thì đêm trước đó, hãy đọc các câu liên quan đến Xơ gan. Hãy đưa ra 1 vài câu hỏi hoặc thắc mắc của mình về bệnh đó, để tranh thủ hỏi BS nhé.
Đây là đề cương 86 câu, mình đã chỉnh sửa theo hệ cơ quan:
https://drive.google.com/open?id=0B9v2ILN7HXTZUlVybzNTS3QxX2c
Tuy nhiên lúc ôn thi, ngoài 86 câu này, riêng chương Hô hấp, cô My có cho câu hỏi ôn tập, các bạn hãy ôn tập theo đó nhé. Môn Nội và Ngoại đều có đề cương, các bạn chỉ cần học theo đề cương là OK. Riêng chương Nội tim mạch luôn có, cho nên học kĩ nhé. Các chương khác hay ra như Nội hô hấp, Nội tiêu hóa, Nội thận – tiết niệu…
4/ Ngoài kiến thức, hãy tập tư duy logic. Từ các triệu chứng ta khai thác được, hãy tư duy ra nguyên nhân gây ra bệnh này là gì? Để có được điều này, ta cần đọc lại kiến thức các môn cơ sở. Hãy tự giải thích xem: Trong bệnh này sẽ có triệu chứng gì? Triệu chứng này là gì? Tại sao xuất hiện triệu chứng này? BN này tại sao có các triệu chứng khác? Để điều trị triệu chứng, nguyên nhân này cần làm gì? Sử dụng nhóm thuốc nào? Hướng xử trí ra sao? … Nếu không tìm được câu trả lời hãy đi “hỏi bài”, tích cực hỏi bài nhé :v Ngoài ra các bạn có thể tham khảo cuốn “200 triệu chứng” – của Y huế và cuốn sách dịch “Cơ chế triệu chứng học” – của Mark Dennis. Vì là SV y3, hỏi bài sẽ dễ dàng hơn. Không ai la rầy y3 vì hỏi bài đâu, không biết thì phải hỏi, đừng ngại nhé! Vì lên y4, y6 sẽ ngại hỏi hơn, vì nếu hỏi mấy câu dễ, sẽ bị nghe “Ơ, y4/y6 rồi mà không biết cái này à?” Cho nên hãy tranh thủ nhé!
5/ Về việc thi lâm sàng, điều này khá là hên xui may rủi. Vì mỗi bạn sẽ bốc 1 bệnh khác nhau, làm bệnh án, và sau đó được các bác khác nhau hỏi thi. Có bạn may mắn bốc được bệnh dễ, có bạn thì được BS hỏi thi dễ. Tuy nhiên, mình mong các bạn học tập trước thi thật nghiêm túc, ôn tất cả có thể, nhất là các bệnh hay gặp. Sau khi bốc được bệnh án của mình, làm bệnh án nộp. Ngày hôm sau được hỏi thi. Vậy trong thời gian 1 ngày đó bạn sẽ làm gì? Bạn hãy đọc thật kĩ bệnh án của mình, giải thích được tất cả các triệu chứng đó về mặt sinh lí bệnh, nắm rõ sinh lí lúc bình thường của các triệu chứng đó. Học kĩ bệnh mà mình chẩn đoán, về các triệu chứng, tiêu chuẩn chẩn đoán, hướng điều trị, điều trị. Đọc sơ thêm về các bệnh mà bạn chẩn đoán phân biệt. Nếu còn thời gian hãy học thêm bệnh của các bạn trong tổ nhé, vì là hỏi thi chung, cho nên nếu bạn hỏi thi cùng không trả lời được, có thể câu hỏi đó bạn sẽ phải trả lời đấy!
Còn ti tỉ thứ khác nhưng hiện tại mình chỉ nhớ được và chia sẻ từng này, mong có thể giúp được các bạn trong quá trình đi thực tập BV. Còn nhiều thứ các bạn sẽ được ngộ ra dần, được chia sẻ từ các anh chị khác.
Chúc các bạn học tập và ôn tập hiệu quả.
Mùng 2 Tết Kỷ Hợi – 06/02/2019
Trường Mạnh, YK15A2.