Kinh nghiệm đi học lâm sàng cho Sinh viên Y3 tại BV Đa khoa Vùng Tây Nguyên.
Từ 1 Sinh viên Y3+ gửi các em.
Sinh viên Y3 là lúc bắt đầu tiếp cận phương pháp học mới: học lâm sàng. Có lẽ mỗi khi chuyển sang học một cái gì đó mới sẽ gặp rất nhiều bỡ ngỡ và khó khăn, và có lẽ với Y3 chị nghĩ em cũng từng đặt ra cho mình câu hỏi: “ Học lâm sàng thực chất là thế nào?”. Với chị, Y4, Y5 hay Y già hơn nữa thì cũng phần nào đó đã tìm ra câu trả lời dành cho mình.
Chính vì vây, ngày hôm nay chị xin được chia những kinh nghiệm cũng như suy nghĩ của bản thân để chúng ta cùng nhau trao đổi nha^^
Kinh nghiệm để học lâm sàng hiệu quả
1.Tìm hiểu
Tìm hiểu về khoa phòng, bệnh viện:
Khoa phòng: Y3 sẽ thực tập ở khoa Nội hoặc Ngoại. Mỗi khoa chia ra nhiều chuyên khoa nhỏ hơn: Nội gồm Nội Tổng Hợp, Nội Tim Mạch và Lão Khoa, Ngoại gồm Ngoại Chấn Thương Chỉnh Hình, Ngoại Tổng Hợp, Ngoại Thần Kinh và Ngoại Thận – Tiết Niệu.
Bệnh viện: Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên là môi trường học thực hành lý tưởng cho đối tượng sinh viên Y ĐH Tây nguyên vì:
Thứ nhất, địa điểm thì bệnh viện không quá xa với các em học tai trường.
Thứ hai, cơ hội tiếp xúc với nhiều case lâm sàng thực tế: Bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân với các bệnh lý khác nhau, giúp sinh viên được tiếp xúc với nhiều trường hợp bệnh lâm sàng. Đây là bệnh viện Tuyến cao nhất của khu vực Tây Nguyên, phía bệnh viện và khoa phòng rất tạo điều kiện và chỉ dạy nhiệt tình.
Thứ ba, em sẽ ở trong môi trường giao lưu học hỏi, hỗ trợ lẫn nhau: sinh viên Y Dược của 3 trường gồm BMTU, Đại học Tây Nguyên và Cao đẳng Y tế Đăk Lăk, Anh Chị Liên thông… Gặp nhiều bạn từ các hệ thống giảng dạy khác nhau sẽ giúp em mở mang hơn rất nhiều.
Tìm hiểu Quy định
–Trang phục: Quần áo lịch sự, gọn gàng, áo blouse phải có cầu vai xanh và logo của trường, không được mặc những kiểu áo quần thời trang lạ như rách nhiều chỗ…và đeo thẻ sinh viên, đi dép có quai hậu, đeo khẩu trang, tóc gọn gàng và không nên để móng tay dài.
-Tác phong: nghiêm túc, lễ phép, xưng hô với các thầy cô thỉnh giảng nên gọi bằng thầy cô thể hiện sự kính trọng với những người đi trước và đây cũng là rèn luyện đức tính kiêm tốn cho các em.
-Các em cần nắm cơ bản gồm: lối đi, giờ mở – khoá cửa, giờ giấc làm bệnh phòng, phòng cất đồ sinh viên hay một số lưu ý đặc biệt hoặc điều cấm kị của từng khoa: Không trả lời bệnh nhân cái gì mình thấy không chắc, không chen ngang khi người khác đang khám, không trao đổi trước mặt bệnh nhân, không nhận xét cách khám của bạn/anh/chị trước mặt bệnh nhân…
2.Chuẩn bị
Dụng cụ cần thiết
-Áo blouse có cầu vai xanh: bắt buộc
-Thẻ sinh viên kèm dây đeo của Khóa học: bắt buộc.
-Sổ lâm sàng : 1 quyển số nhỏ đút vừa túi áo blouse để ghi chú ngay khi cần.
-Ống nghe: Nên đầu tư một ống nghe tương đối ổn.
-Tùy yêu cầu từng khoa có thể thêm vật dụng khác. Ngoài ra thì các em cũng nên có sẵn trong cặp một chai nước, bánh hoặc đồ ăn lót dạ vì những ngày đi lâm sàng sẽ khá “vất vả”.
Kiến thức
Nội dung của Y3 gồm Nội cơ sở, Ngoại khoa cơ sở, Triệu chứng học, Cơ chế triệu chứng. Nguồn sách y khoa rất phong phú nên lời khuyên quan trọng là các em phải học kiến thức được trích nguồn rõ ràng. Sách trong nước thì nên theo nguồn: Đại học Y Dược TP. HCM và tài liệu bộ môn, ngoài ra còn có Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Dược Huế tùy học phần.
Làm bệnh án là kỹ năng không thể thiếu của sinh viên Y. Hiện tại đã có form bệnh án của các Bộ môn, các em sẽ được thầy cô dạy cách làm bệnh án theo đúng form này, một tuần sẽ làm và bình từ 1-2 bệnh án theo nhóm. Có thể nhờ các thầy cô hoặc anh chị khóa trên sửa giúp.
“1 tinh thần mất ngủ”
Giờ lâm sàng của sinh viên là từ 7h đến 11h sáng. Giờ trực thường từ 19h tới 7h sáng hôm sau. Trong tua trực từ 22 giờ cho đến 7 giờ sáng thường chia 2 tua, sáng 5h các em dậy để phụ giúp các chị điều dưỡng đo huyết áp bệnh nhân, nghĩa là 1 đêm các em chỉ ngủ khoảng 2h30-3h, sáng hôm sau vẫn đi lâm sàng bình thường. Vừa rồi trường mình có Confession của 1 em về việc tị nạnh các anh chị không cho em đi ngủ thì chị chỉ nói là, Y4, Y6 cũng từng là Y3, nên có Khoa không nhiều việc các anh chị dễ thương vẫn tạo điều kiện lắm, nhưng về Quy định thì không có điều này. Nên nếu trực mà thức đêm, dù mất ngủ đấy, mệt đấy, nhưng thực tế em sẽ học được những gì xảy ra trong Bệnh viện vào thời gian này nhiều, bệnh nhân mệt, bệnh nhân mới nhập viện… họ cần mình mà đúng không?
Thái độ
Sinh viên Y đi lâm sàng thì không công việc nào là thừa cả. Từ khám bệnh, phụ làm bệnh án, đến theo xe tiêm, sửa dây truyền dịch, xếp giường, đẩy bệnh nhân đi cân lâm sàng,… đều có ý nghĩa cả. Mỗi công việc đều giúp em có cơ hội tiếp xúc gần hơn với bệnh nhân từ đó quen với cách giao tiếp cùng người bệnh, tạo được mối quan hệ tốt đẹp với nhân viên trong khoa để thuận lợi hơn trong quá trình học tập.
3.Kết bài:
Người bác sĩ phải có 3H: Head, Hands và Heart. Họ phải có cái đầu để học hỏi bởi ngành Y là một ngành rất khó, có đôi bàn tay để thực hành, để khám chữa bệnh chính xác và phải có trái tim nhân hậu để yêu thương người bệnh. Than chì và kim cương đều được cấu tạo từ Các-bon, nhưng kim cương cứng rắn hơn, lấp lánh hơn bởi chúng được tạo ra dưới áp lực lớn. Những khó khăn về điều kiện vật chất, những áp lực về tinh thần đang dần tạo nên những bác sĩ tương lai vững tay nghề, tâm trong sáng. Chị và các em sẽ cùng nhau cố gắng nhaaa^^
-Thu Hằng-