Bài 1: ĐẠI CƯƠNG TÂM THẦN HỌC Câu 1: Định nghĩa sức khỏe tâm thần Câu 2: Trình bày các rối loạn loạn thần và rối loạn loạn thần kinh Câu 3: Các nguyên nhân gây bệnh tâm thần và các nguy cơ tâm thần hiện nay Bài 2: TRIỆU CHỨNG TÂM THẦN HỌC Câu 4: Rối loạn ý thức Câu 5: Rối loạn tri giác Câu 6: Rối loạn hình thức tư duy Câu 7: Định nghĩa hoang tưởng, ám ảnh và định kiến Câu 8: Hoang tưởng Câu 9: Rối loạn trí nhớ Câu 10: Rối loạn cảm xúc Bài 3: TÂM THẦN PHÂN LIỆT Câu 11: Định nghĩa và nguyên nhân tâm thần phân liệt Câu 12: Các đặc điểm lâm sàng Câu 13: Tiểu chuẩn chẩn đoán và nguyên tắc điều trị Bài 4: TRẦM CẢM Câu 14: Triệu chứng của trầm cảm Câu 15: Tiêu chuẩn chẩn đoán Bài 6: NGHIỆN MA TÚY Câu 16: Khái niệm nghiện ma túy. Nêu ví dụ Câu 17: Triệu chứng nghiện morphin và xử trí Bài 7: NGHIỆN RƯỢU Câu 18: Triệu chứng và điều trị loạn thần do rượu Câu 19: Triệu chứng và điều trị hội chứng cai Bài 8: CÁC RỐI LOẠN LIÊN QUAN STRESS Câu 20: Rối loạn stress sau chấn thương Bài 9: CẤP CỨU TÂM THẦN Câu 21: Xử trí bệnh nhân tâm thần kích động Bài 1: ĐẠI CƯƠNG TÂM THẦN HỌC Câu 1: Định nghĩa sức khỏe tâm thần 1. Sức khỏe tâm thần Sức khỏe tâm thần không chỉ là một trạng thái không có rối loạn hay dị tật về tâm thần, mà còn là 1 trạng thái tâm thần hoàn toàn thoải mái về cơ thể, tâm thần và xã hội. Như vậy có các loại sức khỏe đó là: sức khỏe cơ thể, sức khỏe tâm thần và xã hội. Sức khỏe tâm thần của con người đảm bảo các đặc trưng sau: (1) Có một cuộc sống thật sự thoải mái. (2) Đạt được niềm tin vào giá trị bản thân, vào phẩm chất và giá trị của người khác (3) Có khả năng ứng xử bằng cảm xúc, hành vi hợp lý trước mọi tình huống. (4) Có khả năng tạo dựng, duy trì và phát triển thỏa đáng các mối quan hệ. (5) Có khả năng tự hàn gắn để duy trì cân bằng khi có các sự cố gây mất thăng bằng, căng thẳng. 2. Tâm thần học Tâm thần học là bộ môn trong y học có nhiệm vụ: - Nghiên cứu các biểu hiện lâm sàng, bệnh nguyên, bệnh sinh các bệnh tâm thần - Nghiên cứu các biện pháp phòng và chữa các bệnh này Tâm thần học chia làm 2 phần lớn: 2.1. Tâm thần học cơ sở (Tâm thần học đại cương) Tâm thần học cơ sở nghiên cứu các triệu chứng, hội chứng, các quy luật biểu hiện và phát triển các rối loạn hoạt động tâm thần có tính chất cơ bản đối với các bệnh tâm thần, các vấn đề chung về bệnh nguyên và bệnh sinh, các nguyên tắc phân loại, các phương pháp khám xét, làm bệnh án và theo dõi bệnh tật. 2.2. Tâm thần bệnh học nghiên cứu từng loại bệnh tâm thần khác nhau Các chuyên nghành trong tâm thần học: - Tâm thần học trẻ em - Tâm thần học người cao tuổi - Tâm thần học pháp y - Tâm thần học quân sự - Dịch tễ học tâm thần - Tâm thần học dược lý - Vệ sinh tâm thần - Tâm thần học cộng đồng Câu 2: Trình bày các rối loạn loạn thần và rối loạn loạn thần kinh 1. Các rối loạn loạn thần Đó là triệu chứng ảo giác, hoang tưởng, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn hành vi. Thường không bị mất khả năng duy trì mối liên hệ với môi trường xung quanh và người bệnh thường không nhận biết được tình trạng bệnh tật của mình. Bao gồm: loạn thần thực thể, loạn thần phản ứng, loạn thần nội sinh. 1.1. Loạn thần thực thể: Những rối loạn tâm thần có liên quan trực tiếp đến các bệnh nội khoa, nội tiết, nhiễm trùng, nhiễm độc, chấn thương sọ não..... 1.2. Loạn thần phản ứng: Những rối loạn tâm thần có liên quan trực tiếp đến các sang chấn tâm thần, xảy ra cấp tính ở những người không có tiền sử bệnh tâm thần. 1.3. Loạn thần nội sinh: Tâm thần phân liệt, rối loạn cảm xúc, rối loạn lưỡng cực... 2. Các rối loạn loạn thần kinh (Bệnh tâm căn, nhiễu tâm) - Thường là do nguyên nhân từ tâm lý, người bệnh không có các triệu chứng loạn thần nêu trên - Vẫn duy trì được mối quan hệ với môi trường xung quanh (giao tiếp, học tập, làm việc...) và ý thức được tình trạng bệnh tật của mình - Bao gồm các rối loạn lo âu, rối loạn ám ảnh, ám ảnh cưỡng chế, rối loạn sau chán thương. Câu 3: Các nguyên nhân gây bệnh tâm thần và các nguy cơ tâm thần hiện nay 1. Các nguyên nhân gây bệnh tâm thần Thường được phân làm 4 nhóm nguyên nhân chính: 1.1. Các nguyên nhân thực tổn (thực thể) Gây tổn thương trực tiếp tế bào não (u não, chấn thương sọ não, các bệnh mạch máu não, viêm não, nghiện chất). Các bệnh gây rối loạn chuyển hóa hoạt động não bộ (bệnh lý nội tiết, tim mạch, chuyển hóa) 1.2. Các nguyên nhân tâm lý Do các chấn thương tâm lý xuất hiện đột ngột, mãnh liệt hoặc cường độ nhẹ nhưng kéo dài. 1.3. Do cấu tạo thể chất bất thường và phát triển tâm thần bệnh lý Chậm phát triển tâm thần, nhân cách bệnh. 1.4. Nguyên nhân nội sinh hoặc tiềm ẩn Do có sự kết hợp phức tạp của nhiều nguyên nhân khác nhau (di truyền, chuyển hóa, miễn dịch, cấu tạo thể chất) nên khó xác định nguyên nhân chủ yếu. Các rối loạn tâm thần thường gọi là nội sinh như: Bệnh tâm thần phân liệt, bệnh trầm cảm, rối loạn cảm xúc lưỡng cực. 2. Các nguy cơ thâm thần hiện nay Bệnh tâm thần hay các vấn đề tâm thần rất phổ biến trong đời sống xã hội hiện nay. Khi con người phải chịu quá nhiều áp lực từ công việc, cộng sống cộng thêm không có đủ thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn nên dễ rơi vào trạng thái trầm cảm, lo âu, ám ảnh... Những dấu hiệu tâm thần đầu tiên đó nếu không được kịp thời can thiệp, sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần của con người. Dưới đây là một số dấu hiện nguy cơ của bệnh tâm thần hiện nay 2.1. Thiếu tập trung Bình thường con người thường cảm thấy mệt mỏi sau ngày bận rộn với công việc, điều này ảnh hưởng tới sự tập trung. Làm việc không hiệu quả do thiếu sự tập trung cần thiết, cơ thể mất đi sự chi phối nhịp nhàng giữa suy nghĩ và hành động. Nếu thiếu tập trung trong công việc cần chú ý đến bệnh tâm thần. 2.2. Mơ mộng, ảo tưởng Thường có những suy nghĩ đến các hành vi bạo lực, tưởng tượng mình đang gặp tai nạn xe hơi, nhảy từ sân thượng xuống,... Tưởng tượng những việc không có thật, thậm chí hoang tưởng, thấy người khác đnag nói xấu, la mắng hay bắt ép mình làm công việc nào đó. Gặp trường hợp này cần khám chuyên khoa tâm thần. 2.3. Thường chỉ trích Dấu hiệu quan trọng của sự suy giảm sức khỏe tâm thần là người bệnh thường cố gắng tìm ra lỗi lầm ở người khác, nhưng bên ngoài vẫn duy trì những tình cảm thân thiết với người đó. Điều này phản ánh tâm trí và cảm xúc bên trong không hòa hợp với nhau. Người bệnh tâm thần thường xuất hiện những cảm xúc trái ngược, yêu ghét lẫn lộn, từ đó dẫn đến những hành vi khóc cười không kiểm soát được. 2.4. Ăn không ngừng Ăn rất nhiều nhưng vẫn muốn ăn thêm, ăn thiếu kiểm soát, không còn cảm thấy no hay đói nữa. Hơn nữa việc chỉ ăn duy nhất 1 loại đồ ăn không biết chán cũng cho thấy dấu hiệu của bệnh tâm thần. 2.5. Lạm dụng chất gây nghiện Nghiện thuốc lá, nghiện rượu thường dễ dẫn đến các bệnh tâm thần. Các chất gây nghiện như nicotin, alcohol nếu lạm dụng sẽ ảnh hưởng tới hệ thần kinh, đã có rất nhiều trường hợp bị bệnh tâm thần do nghiện rượu. 2.6. Không quan tâm đến vẻ bề ngoài Người có nguy cơ mắc bệnh tâm thần khi không quan tâm đến vẻ bề ngoài của mình; họ có thể xuất hiện với đầu tóc bù xù, có quần áo hay không cũng không để ý. Không kiểm soát được hành vi của mình, họ xé quần áo, hay tự cởi đồ mà không để ý đến xung quanh. 2.7. Không có tổ chức Không tự sắp xếp được và biến ngôi nhà thành đóng lộn xộn. Cuộc sống bất cần và thiếu tổ chức là dấu hiệu ban đầu cho thấy bạn mắc bệnh tâm thần. 2.8. Cô đơn Khi cắt đứt quan hệ với thế giới, không có mối quan hệ nào với người thân. Cảm thấy sợ hoặc buồn rầu khi phải tiếp xúc với người xung quanh, hãy đi khám chuyên khoa tâm thần. 2.9. Hành động như trẻ con Nếu đã qua 30 tuổi nhưng những suy nghĩ và hành động vẫn như 1 người trong độ tuổi 16 cần nghiêm túc xem xét lại. Vì người bệnh tâm thần thường có những suy nghĩ và hành vi sai lệch, không phù hợp với độ tuổi, hoàn cảnh xuất hiện, thậm chí là những hành vi bất thường. Bài 2: TRIỆU CHỨNG TÂM THẦN HỌC Câu 4: Rối loạn ý thức 1. Khái niệm Ý thức là sự nhận biết về bản thân và mối liên hệ giữa bản thân với môi trường xung quanh. Các mức độ của ý thức có thể thay đổi từ hoàn toàn tỉnh táo cho đến hôn mê. 2. Tiêu chuẩn đánh giá về ý thức Biểu hiện ở năng lực định hướng của người bệnh bao gồm: - Định hướng bản thân:Biết lý lịch về bản thân mình, biết trạng thái bệnh tật của mình - Định hướng thời gian: Biết ngày, tháng, năm, giờ - Định hướng không gian: Biết mình đang ở đâu, chỗ mình ở cách trung tâm thành phố bao xa. - Định hướng xung quanh: Biết những người xung quanh mình là ai, làm gì. 3. Các mức độ của ý thức - Hôn mê: là trạng thái nặng nhất của rối loạn ý thức. Bệnh nhân không có các biểu hiện của hoạt động tâm thần và rất ít hoạt động vận động trừ hô hấp. Bệnh nhân không đáp ứng ngay cả đối với các kích thích mạnh. Hôn mê có thể được phân loại tùy theo mức độ của các đáp ứng phản xạ còn lại và loại hoạt động điện não. - Ý thức u ám: là bệnh nhân đáp ứng không đầy đủ với các kích thích. Các khả năng tập trung, chú ý và trí nhớ bị giảm ở các mức độ khác nhau và định hướng lực bị rối loạn. Tư duy người bệnh lộn xộn, và các sự kiện được giải thích một cách không chính xác. - Sững sờ: theo nghĩa được dùng trong tâm thần học, sững sờ là một trạng thái bất động, không nói và không đáp ứng nhưng dường như vẫn còn nhận biết qua đôi mắt mở và dõi theo các vật xung quanh. Nếu nhắm mắt bệnh nhân sẽ chống lại các cố gắng để mở mắt. Các phản xạ bình thường và tư thế nghỉ vẫn còn duy trì. - Lú lẫn: là rối loạn ý thức trong đó bệnh nhân có các phản ứng không phù hợp với các kích thích bên ngoài; biểu hiện bằng các rối loạn định hướng về thời gian, không gian và xung quanh. Lú lẫn đôi khi cũng được dùng để chỉ sự mất khả năng suy nghĩ một cách sáng suốt, có thể xảy ra trong tình trạng ý thức bình thường. Trong sảng, lú lẫn xảy ra cùng với ảo tưởng, ảo giác và các rối loạn khí sắc như lo âu, sợ hãi. - Sảng: một trạng thái lú lẫn cấp, khởi đầu tương đối đột ngột, kéo dài từ vài giờ đến vài ngày, tiến triển dao động và tăng vào ban đêm. Bất thường tri giác và nhận thức như các ảo giác và hoang tưởng, rối loạn giấc ngủ và rối loạn thần kinh tự chủ. Người bệnh có cá bất thường vận động như bứt rứt, run, giât cơ và các rối loạn về thần kinh tự chủ như tim nhanh, sốt, huyết áp tăng, ra mồ hôi, giãn đồng tử. Điện não hoạt động chậm lan tỏa. Sảng hay gặp trong các rối loạn chuyển hóa, nhiễm trùng, các bệnh của hệ thần kinh trung ương, các trạng thái nhiễm độc hay cai chất. - Trạng thái hoàng hôn: là trạng thái ý thức thu hẹp, các ảo giác xuất hiện đột ngột trong một thời gian ngắn và cũng kết thúc đột ngột. Do sự chi phối của các ảo giác, người bệnh có các hành vi nguy hiểm cho bản thân và người xunh quanh; sau cơn người bệnh không nhớ những gì đã xảy ra. Trạng thái hoàng hôn gặp trong bệnh động kinh hoặc các bệnh thực thể não. Câu 5: Rối loạn tri giác 1. Khái niệm Tri giác là 1 quá trình nhận thức cao hơn cảm giác, phản ánh sự vật, hiện tượng một cách toàn vẹn. 2. Triệu chứng rối loạn tri giác 2.1. Ảo tưởng Là tri giác sai lầm về các đối tượng có thật trong thực tế khách quan. Chẳng hạn nhìn áo dài treo trên tường tưởng có người đứng ở đấy. Ảo tưởng có thể xảy ra trong các trường hợp sau: - Theo giác quan: + Ảo tưởng thị giác: Khi mức độ kích thích giác quan bị giảm + Ảo tưởng thính giác: Khi không tập trung chú ý vào giác quan có liên quan + Ảo tưởng về khứu giác, xúc giác và vị giác - Theo bệnh lý: + Ảo tưởng cảm xúc: tức là ảo tưởng xuất hiện trong trạng thái bệnh lý: lo âu, sợ hãi, trầm cảm, hưng cảm. + Ảo tưởng lời nói, tức là bệnh nhân nghe những câu chuyện bình thường xunh quanh thành những lời cảnh báo, tố giác. 2.2. Ảo giác Ảo giác là tri giác như có thật về một sự vật, hiện tượng không hề có trong thực tế khách quan. ảo giác xuất hiện và mật đi không phụ thuộc vào ý muốn của người bệnh, có thể kèm theo các rối loạn ý thức như sảng hay rối loạn tư duy như hoang tưởng. Ảo giác được phân loại như sau: vẢo giác thô sơ và ảo giác phức tạp: - Ảo giác thô sơ là ảo giác chưa thành hình, không có hình thái và kết cấu rõ rệt. - Ảo giác phức tạp là ảo giác có hình tượng rõ ràng và sinh động, có vị trí nhất định trong không gian như nhì thấy người đem dây đến trói mình, nghe tiếng nói trên lầu bảo mình phải ra ngoài sân, ra vườn tìm nơi ẩn nấp. vẢo giác chia theo giác quan: - Ảo giác thính giác:(Ảo thanh) gồm có nhiều triệu chứng + Ảo thanh thô sơ: như nghe tiếng chuông, tiếng còi, tiếng máy nổ, tiếng súng + Ảo thanh rõ rệt: tức là nghe tiếng nói, tiếng trò chuyện, tiếng nói có thể to hay nhỏ hoặc bình thường, có thể từ xa vang lại hay ở gần, từ trên xuống, từ dưới lên, từ hai bên lại + Ảo thanh bình phẩm: nội dung của ảo thanh là phê bình + Ảo thanh đe dọa: nội dung của ảo thanh là cảnh cáo, đe dọa, báo trước một điềm chẳng lành + Ảo thanh mệnh lệnh: ra lệnh cho người bệnh lao vào ô tô, nhảy xuống ao, đi tấn công người xung quanh + Tư duy vang thành tiếng, tư duy bị phát thanh: Người bệnh sắp làm gì, nói gì, đọc gì, nghĩ gì thì tiếng nói bên trong đã nói lên trước Ảo thanh có thể xảy ra liên tục hoặc từng thời gian ảnh hưởng đến cảm xúc làm người bệnh lo lắng, buồn rầu, giận dữ, vui vẻ phấn khởi. Tùy nội dung ảo thanh mà người bệnh có thể phản ứng lại như bịt tai, lắng nghe, trả lời với ảo thanh, có hành vi chạy trốn, tự sát hay tấn công người khác. Ảo tanh gặp trong tâm thần phân liệt và các bệnh loạn thần khác, trong các rối loạn khí sắc, bệnh tâm thần thực thể, các rối loạn liên quan đến chất. - Ảo giác thị giác: (Ảo thị) hay gặp nhưng ít hơn ảo thanh và đôi khi kết hợp với ảo thanh + Ảo thị thô sơ: Thấy một ngọn lửa, thấy đom đóm, thấy khói, sương mù, thấy một đoàn sâu bọ, một đoàn thú dữ, thấy hình ảnh cảnh vật mờ mờ hay rõ rệt + Ảo thị khổng lồ + Ảo thị tí hon + Hiện tượng quái khách: thấy có người lạ nhập vào người Nội dung ảo thị có thể làm người bệnh say mê, nhìn ngắm một cách thích thú hoặc ngơ ngác, bàng hoàng, sợ hãi. ảo thị hay gặp trong bệnh loạn thần do nhiễm trùng, nhiễm độc, trong hội chứng cai rượu hoặc ma túy, trong tâm thần phân liệt, đau đầu migraine, ở người mù - Ảo giác khứu giác (Ảo khứu) người bệnh ngửi thấy nhiều mùi khác nhau: mùi trứng thối, mùi cao su cháy, mùi xăng với cường độ rất kháu nhau, điển hình các mùi thối rữa, mục nát, chết chóc. Hay gặp trong trầm cảm loạn thần. - Ảo giác vị giác (Ảo vị) người bệnh có cảm giác khác với thực tế - Ảo giác xúc giác (Ảo xúc) người bệnh có cảm giác như kim châm, điện giật, tê lạnh, ẩm ướt, nóng bỏng, sâu bọ bò trên da hay các loại vật dưới da. Có thể gặp trong loạn thần nhiễm trùng, nhiễm độc như suy gan, các hội chứng cai rượu hay cai ma túy, ngộ độc cocain và tâm thần phân liệt. - Ảo giác nội tạng: Cảm thấy rõ ràng trong người những dị vật, những sinh vật nằm yên hay động đậy. vẢo giác chia theo nhận thức và thái độ người bệnh: - Ảo giác thật (Ảo giác tâm lý giác quan): Là ảo giác có nguồn gốc từ bên ngoài, người bệnh tiếp nhận ảo giác như một sự vật có thật trong thực tại, không phân biệt được ảo giác với sự vật thật - Ảo giác giả (Ảo giác tâm lý): Ảo giác giả cũng như ảo giác thật mang tính chất cụ thể, nhưng là hình ảnh khu trú trong đầu, từ trong cơ thể phát ra. Người bệnh tiếp nhận ảo giác không phải bằng giác quan mà là trong ý nghĩ. Gặp trong tâm thần phân liệt và một số bệnh loạn thần khác Câu 6: Rối loạn hình thức tư duy Tư duy là một hoạt động tâm thần phức tạp, là hình thức cao nhất của quá trình nhận thức, có đặc tính phản ánh thực tại khách quan một cách gián tiếp và khái quát, từ đó giúp ta có thể nắm được bản chất và quy luật phát triển của sự vật Các rối loạn tư duy được chia làm 2 phần: - Rối loạn hình thức tư duy - Rối loạn nôi dung tư duy Ở đây trình bày rối loạn hình thức tư duy 1. Phân chia theo nhịp độ ngôn ngữ nhanh - Tư duy phi tán: Quá trình liên tưởng của người bệnh rất nhanh chóng, các ý nghĩ và lời nói xuất hiện nối tiếp nhau mau lẹ và nông cạn trong đầu óc người bệnh. Chủ đề của các ý tưởng luôn luôn thay đổi theo tác động bên ngoài. Thường gặp trong trạng thái hưng cảm. - Tư duy dồn dập: Trong đầu người bệnh dồn dập mọi ý nghĩ. Những ý nghĩ này xuất hiện ngoài ý muốn, người bệnh không sao ngăn cản được; gặp trong hưng cảm, bệnh tâm thần phân liệt, các rối loạn nhận thức. - Nói hỗ lốn: Là sự pha trộn rời rạc, không thể hiểu được của các tiếng, các từ và cụm từ.Người bệnh nói luôn mồm, ý tưởng linh tính và nội dung vô nghĩa. Gặp trong bệnh tâm thần phân liệt mạn tính và trong trạng thái tâm thần sa sút. 2. Phân chia theo nhịp độ ngôn ngữ chậm - Tư duy chậm chạp: Quá trình liên tưởng ở người bệnh hết sức chậm. Họ suy nghĩ khó khăn, chậm chạp, nội dung đơn điệu, nghèo nàn. Người bệnh nói rất chậm, dừng lại rất lâu sau mỗi câu nói, hỏi mãi mới trả lời. Thường gặp trong trạng thái trầm cảm. - Tư duy ngắt quãng: Người bệnh khi đang nói chuyện, dòng ý tưởng bị ngắt quảng làm cho họ dừng lại không nói được, mãi về sau mới tiếp tục nói được hoặc bỏ dở câu nói trước nói sang chuyện khác. Thường gặp trong bệnh tâm thần phân liệt. - Tư duy kiên định: Người bệnh lặp đi lặp lại một chủ đề nhất định, biểu hiện rõ trong khi nói chuyện hoặc trả lời thầy thuốc. Gặp trong hội chứng hoang tưởng của bệnh tâm thần phân liệt, loạn tâm thần phản ứng nhân cách bệnh và các bệnh tâm thần khác. 3. Phân chia theo hình thức phát ngôn - Nói một mình: Người bệnh nói lẩm bẩm một mình, nội dung không liên quan đến hoàn cảnh. Thường gặp trong tâm thần phân liệt. - Nói tay đôi: Người bệnh thường nói chuyện với một nhân vật tưởng tượng hay đang tranh luận với ảo thanh. Gặp trong tâm thần phân liệt hoặc loạn tâm thần phản ứng. - Trả lời bên cạnh: Hỏi một đằng, người bệnh trả lời một nẻo, không chú ý đến nội dung cầu nói.Gặp trong tâm thần phân liệt. - Không nói: Không nói có nhiều nguyên nhân như do hoang tưởng và ảo giác chi phối do hiện tượng phủ định (trạng thái căng trương lực) do liệt cơ năng cơ quan phát âm (loạn thần kinh hysteria) do hoạt động tâm thân nghèo nàn (tâm thần sa sút) do hoạt động tâm thần bị rối loạn nặng (trạng thái lú lẫn) - Nói lặp lại: Người bệnh luôn luôn lặp đi lặp lại một số từ hay một câu của chính họ, không ai hỏi cũng cứ nói, gặp trong tích phát âm phức tạp. - Nhại lời: Lặp lại những từ hoặc cụm từ nghe được từ người khác có khuynh hướng lặp đi lặp lại dai dẳng .Ví dụ khi hỏi người bệnh không trả lời mà chỉ lặp lại câu hỏi. Gặp trong tâm thân phân liệt. - Cơn xung động lời nói: Người bệnh lầm lì suốt ngày không nói nhưng thỉnh thoảng lại có một cơn xung động lời nói: nói một hồi lâu những câu vô nghĩa, tục tằn. Gặp trong tâm thần phân liệt. 4. Phân chia theo kết cấu ngôn ngữ - Ngôn ngữ phân liệt: Trong từng câu, có thể dùng ngữ pháp, có ý nghĩa nhưng giữa các câu không có liên hệ gì với nhau về ý nghĩa lôgich cả, không thể hiểu được người bệnh muốn nói gì. Gặp trong tâm thần phân liệt. - Ngôn ngữ không liên quan: Tư duy người bệnh lộn xộn, họ nói ra những từ rời rạc không có mối liên hệ gì với nhau và không có ý nghĩa gì cả. Thường gặp trong trạng thái mê sảng và lú lẫn. - Sáng tạo ngôn ngữ: Người bệnh đặt ra một ngôn ngữ lạ lùng, người khác không thể hiểu được. Ngôn ngữ này có tính chât tự kỷ và không thông dụng. Thường gặp trong tâm thân phân liệt. - Chơi chữ: Trong lời nói, câu này tiếp câu khác theo vần. Ví dụ: Trời xanh ăn canh, uống nước chanh, uống nước đi năm bước. Gặp trong trạng thái hưng cảm và tâm thần phân liệt. 5. Phân chia theo ý nghĩ, mục đích ngôn ngữ - Suy luận bệnh lý: Người bệnh luôn luôn nói về một chủ đề nhất định và thường là đi vào những cái vụn vặt, bí hiểm, xa rời thực tế, những vấn đề triết học, siêu hình. Thường gặp trong tâm thần phân liệt. - Tư duy hai chiều: Người bệnh có những ý nghĩa, những câu nói hoàn toàn trái ngược nhau. Gặp trong tâm thân phân liệt. - Tư duy tự kỷ: Người bệnh thu hẹp vào thế giới tự kỷ của mình, tách rời với thực tế, luôn luôn nói đến những vẫn để của thế giới bên trong kỳ lạ của mình. Gặp trong tâm thần phần liệt. - Tư duy tượng trưng: Đối với các sự vật, hiện tượng bên ngoài, người bệnh thường gán cho một ý nghĩa tượng trưng. Ví dụ: người bệnh cho số 3 tượng trưng cho điều tốt còn số 8 tượng trưng cho điều xấu. Câu 7: Định nghĩa hoang tưởng, ám ảnh và định kiến 1. Định kiến Còn gọi là ý tưởng quá đáng. Định kiến là những nhận thức phát sinh trên cơ sở những sự kiện thực tế nhưng về sau chiếm một vị trí trong ý thức không phù hợp với ý nghĩa của nó và có kèm theo một tình trạnh cảm xúc mãnh liệt. 2. Hoang tưởng Hoang tưởng là những ý tưởng phán đoán sai lầm, không phù hợp với thực tế khách quan, nhưng người bệnh cho là hoàn toàn chính xác, không thể giải thích phê phán được. 3. Ám ảnh Ám ảnh là những ý nghĩ, hồi ức, nghi ngờ, hành vi và động tác không phù hợp với thực tế. Xuất hiện trên người bệnh với tính chất cưỡng bách. Người bệnh ý thức được đó là bệnh tật, có thái độ phê phán biết đó là sai, tìm cách xua đuổi nhưng không sao thắng được. Câu 8: Hoang tưởng 1. Định nghĩa Hoang tưởng là những ý tưởng phán đoán sai lầm, không phù hợp với thực tế khách quan, nhưng người bệnh cho là hoàn toàn chính xác, không thể giải thích phê phán được. 2. Triệu chứng hoang tưởng 2.1. Hoang tưởng liên hệ Người bệnh nghĩ rằng mọi việc xung quanh đều có liên hệ mật thiết với mình. Ví dụ khi thấy hai người nói chuyện với nhau thì cho rằng họ bàn tán về mình, những thái độ, lời nói của người xung quanh, người bệnh đều suy diễn cho là ám chỉ mình; một bài báo hoặc một nhận xét trên truyền hình cũng được bệnh nhân cho là ám chỉ mình hoặc truyền đạt một thông điệp đến cho mình. 2.2. Hoang tưởng bị hại Người bệnh khẳng định có một người, một nhóm người hay tổ chức nào đó đang theo dõi và tìm cách hãm hại họ như bỏ thuốc độc vào thức ăn, thức uống, tổ chức giết hại bắt bớ, lừa gạt, vụ khống làm mất thanh danh của họ.Hoang tưởng bị hại hay gặp nhưng ít có giá trị chẩn đoán vì có thể gặp trong nhiều bệnh loạn thần như tâm thần phân liệt, rối loạn hoang tưởng, loạn thần thực thể, rối loạn khí sắc. 2.3. Hoang tưởng chi phối Người bệnh cho rằng có người nào đó dùng quyền phép, phù phép hay một phương tiện nào đó để chi phối toàn bộ hành vi, tư tưởng, cảm xúc. 2.4. Hoang tưởng ghen tuông Xảy ra ở nam nhiều hơn nữ, người bệnh khẳng định vợ hay chồng mình có quan hệ bất chính với người khác mặc dù không có bằng chứng hay cơ sở rõ rệt. Hành vi của họ luôn luôn bị lôi cuốn vào sự tìm tòi những biểu hiện về sự bội bạc đó (tra vấn, bí mật theo đõi vợ hoặc chồng, khám xét quần áo, kiểm tra thư từ, ảnh, ví), không bao giờ thỏa mãn nêu không tìm ra bằng chứng hỗ trợ cho hoang tưởng của mình nên tiép tục tìm kiếm các bằng chứng. Gặp trong rối loạn hoang tưởng, tâm thân nhân liệt, người nghiện rượu, chấn thương sọ não. 2.5. Hoang tưởng tự buộc tội Người bệnh tự cho mình phạm sai lầm lớn, có nhiều tội lỗi đáng bị trừng phạt. Hoang tưởng tự buộc tội thường đưa đến ý tưởng và hành động tự sát. Gặp trong trầm cảm nặng. 2.6. Hoang tưởng nghi bệnh Người bệnh tự cho mình có bệnh giang mai, bệnh ung thư, bệnh lao và đưa ra một loạt bằng chứng về cái bệnh này. Họ cho là bị lây bệnh trong hoàn cảnh nào đó, liên tục đi khám bệnh, làm nhiều xét nghiệm và mỗi lần thấy kết quả âm tính, họ không tin vào sự khám xét đó. Gặp trong rỗi loạn trầm cảm, tâm thần phân liệt. 2.7. Hoang tưởng tự cao Người bệnh cho mình thông minh, tài giỏi, xuất chúng, việc gì cũng làm được, sức lực mạnh mẽ không ai bằng. Họ cho mình có thể chỉ huy tất cả các hạm đội trên thế giới, có địa vị cao, quyền lực lớn. Gặp chủ yếu trong các giai đoạn hưng cảm và đôi khi trong tâm thần phân liệt. 2.8. Hoang tưởng phát minh Người bệnh tuy không được học tập về y học nhưng cho rằng mình đã phát minh ra những phương pháp điều trị các bệnh nan y có kết quả và viết tài liệu phổ biến các phương pháp đó. Người bệnh tự cho mình nghĩ ra những phát minh mới về vật lý, hóa học độc đáo kỳ lạ, những phương án cải tạo và xây dựng xã hội phi thực tế và đem trình bày với mọi người, tìm cách thuyết phục họ thừa nhận. 2.9. Hoang tưởng được yêu Ít gặp, ở nữ nhiều hơn nam. Người bệnh cho rằng có người đang yêu mình tha thiết, tìm cách gặp mình để biểu lộ tình cảm. Người này thường là nhân vật nổi tiếng hay cấp trên nơi họ đang làm việc. Gặp trong rối loạn hoang tưởng, tâm thần phân liệt. 2.10. Hoang tưởng nhân nhầm Người bệnh khi bố mẹ đến thăm thì không thừa nhận mà cho rằng những người đó giả dạng bố mẹ mình để lừa gạt mình, ngược lại khi người lạ đến bệnh viện thì lại cho là bố mẹ mình. Gặp trong tâm thần phân liệt, các bệnh thực thể ở não. 2.11. Hoang tưởng gán ý Người bệnh tri giác các hiện tượng, sự việc xung quanh như là dấu hiệu tượng trưng, có ý nghĩa riêng biệt đối với họ. Nhìn dấu hiệu Chữ thập đỏ trên xe hơi, họ cho đó là ý nghĩa sự đau đớn bệnh hoạn đang xảy tới. Trên đường đi gặp một cái hố thì họ cho rằng hố là tượng trưng cho cái huyệt chôn người và báo hiệu rằng họ sẽ chết trong một ngày gần đây. 2.12. Hoang tưởng đóng kịch Người bệnh tri giác xung quanh như những cảnh trên sân khấu, trong phim ảnh, trong kịch. Cùng một người nhưng khi đóng vai này khi đóng vai khác, người này thay đổi vị trí cho người kia và hoàn cảnh xung quanh cũng biến đổi không ngừng. Câu 9: Rối loạn trí nhớ 1. Khái niệm Trí nhớ là chức phận và đặc tính của não có khả năng ghi nhận, bảo tồn và cho hiện lại những kinh nghiệm và tri thức cũ dưới dạng biểu tượng, ý niệm và ý tưởng. Hoạt động của trí nhớ gồm 3 quá trình: - Ghi nhận - Bảo tồn - Nhớ lại 2. Các loại trí nhớ - Trí nhớ máy móc - Trí nhớ thông hiểu - Trí nhớ lập tức - Trí nhớ gần - Trí nhớ xa 3. Các rối loạn trí nhớ 3.1. Giảm nhớ: Kém nhớ những sự việc mới xảy ra hay sự việc cũ. Gặp trong loạn tâm thần tuổi già, liệt tiến triển, các rối loạn thực thể não. 3.2. Tăng nhớ: Người bệnh nhớ lại những sự việc rất cũ, cả những sự việc không có ý nghĩa hay những chi tiết vụn vặt tưởng không thể nào nhớ được, gặp trong trạng thái hưng cảm, rồi loạn nhân cách. 3.3. Quên - Quên theo sự việc: + Quên toàn bộ là quên tất cả những sự việc cũ và mới thuộc mọi phạm vi. Gặp trong sa sút tâm thần nặng. + Quên từng phần là chỉ quên một số kỷ niệm; quên ngoại ngữ; quên thao tác nghề nghiệp, quên danh từ riêng. Gặp trong tổn thương não khu trú hay do cảm xúc quá mạnh và đột ngột. - Quên theo thời gian: + Quên thuạn chiều là quên do mất khả năng ghi nhận, quên những sự việc xảy ra ngay sau một sự kiện đặc biệt. Thời gian quên từ vài giờ và giảm dần trong vài tuần. Gặp trong chấn thương đầu rối loạn hoạt động não, chất ma túy... + Quên ngược chiều là quên do mất khả năng nhớ lại, quên những sự việc xảy ra trước khi bị bệnh. Thời kỳ quên có thể là vài ngày và cá biệt vài tháng. Khi trí nhớ phục hồi sự việc cũ được nhớ lại trước, sự việc mới nhớ lại sau. Gặp trong chấn thương sọ não; xơ mạch máu não kèm xuất huyết. + Quên thuận chiều và ngược chiều là kết hợp quên thuận chiều và ngược chiều, người bệnh quên những sự việc đã xảy ra trước và sau khi bị bệnh, gặp trong loạn tâm thần cấp, trí tuệ sa sút gặp trong chấn thương sọ não. + Quên trong cơn người bệnh chỉ quên sự việc xảy ra trong cơn, trong thời gian bị bệnh. Gặp trong cơn động kinh, ngộ độc rượu. - Quên theo tiến triển + Quên tiến triển: Hiện tượng quên tăng dần với thời gian người bệnh mất khả năng ghi nhận và quên dần vốn kiến thức. Sự quên này tiên hành theo định luật Ribot, tức là sự việc mới quên trước sự việc cũ quên sau. + Quên cố định là hiện tượng quên không thay đổi, không tăng không giảm + Quên thoái triển là người bệnh nhớ lại dần dần các sự việc đã quên. 3.4. Loạn nhớ - Nhớ giả (ảo tưởng trí nhớ): Đối với những sự việc có thật trong cuộc sống của người bệnh trong một khoảng thời gian và không gian nào đó, thì người bệnh lại nhớ vào một thời gian và không gian khác, hoặc lẫn lộn sự việc này với sự việc nọ. Gặp trong các bệnh thực thể não. - Bịa chuyện (ảo giác trí nhớ): Người bệnh quên các sự việc đã xảy ra và thay vào chỗ quên người bệnh lại kể những sự việc không hề xảy ra với mình, nhưng bản thân người bệnh không biết là mình bịa ra và khẳng định những sự việc ấy có thực. Nội dung bịa chuyện có thể thông thường hay kỳ quái. Trường hợp bịa chuyện kèm theo mất định hướng gọi là lú lẫn bịa chuyện. Nhớ giả và bịa chuyện có thể gặp trong các bệnh thực thể ở não (kèm theo quên và có nội dung thông thường); có thể gặp trong bệnh tâm thần phân liệt (không kèm theo quên và mang tính chât hoang tướng, kỳ quái). - Nhớ nhầm: Người bệnh nhớ việc của mình thành ra việc của người khác hoặc ý nghĩa, sáng kiến của người khác thì nhớ ra là của mình, những điều nghe người khác kể lại hoặc thấy ở đâu thì lại tưởng là những điều mà bản thân mình đã sống qua. Có người bệnh lại tưởng mình đang sống trong dĩ vãng. Kết hợp với quên tiến triển, bệnh nhân tưởng mình sông thời kỳ dĩ vãng (cách 10-20 năm), hành động như người trẻ lại, có khi soi gương không nhận ra mình, cho là một cụ già nào đây. Gặp trong bệnh Alzheimer, bệnh động kinh. Câu 10: Rối loạn cảm xúc 1. Khái niệm Cảm xúc là một quá trình hoạt động tâm thần biểu hiện thái độ con người đối với các kích thích bên ngoài cũng như bên trong cơ thể, là thái độ của con người đối với sự diễn biến của thực tế, của môi trường sống. 2. Các rối loạn cảm xúc 2.1. Các triệu chứng giảm cảm xúc và mất cảm xúc - Giảm khí sắc là khí sắc buồn rầu, triệu chứng chính của hội chứng trầm cảm. - Cảm xúc bàng quan là người bệnh giảm phản ứng cảm xúc, ít biểu hiện cảm xúc ra nét mặt. - Vô cảm là sự thờ ơ, với những việc xảy ra xung quanh, hờ hửng với hoàn cảnh của mình, không có gì gây được thích thú và phản ứng cảm xúc. 2.2. Các triệu chứng tăng cảm xúc - Cảm xúc không ổn định: Là sự biến đổi nhanh chóng và đột ngột không liên quan với các kích thích bên ngoài. Người bệnh dễ chuyển từ cảm xúc này đến cảm xúc khác một cách nhanh chóng. Ví dụ: Từ vui chuyển sang buồn, từ khóc chuyển sang cười, từ lạc quan sang bi quan. - Cảm xúc say đắm: Người bệnh trước một kích thích, một hoàn cảnh nào đó mà mình thích thú có cảm xúc say đắm. - Khoái cảm là trạng thái hưng phấn mãnh liệt với ý tưởng tự cao, người bệnh vui vẻ một cách ngây ngô, thấy mọi việc chung quanh đều hợp với lòng mình, gặp trong các tổn thương thực thể ở não. 2.3. Các triệu chứng rối loạn cảm xúc khác - Cảm xúc hai chiều: Người bệnh đối với một đối tượng, một sự việc nào đó lại có hai loại cảm xúc trái ngược nhau như vừa yêu vừa ghét, vừa thích vừa không thích thường gặp trong tâm thần phân liệt. - Cảm xúc trái ngược: Người bệnh có cảm xúc trái ngược như nghe tin người thân mất mà lại tỏ vẻ vui mừng, nhận được tin vui mà lại buồn rầu. Thường gặp trong bệnh tâm thần phân liệt. - Thiếu hòa hợp: là sự không phù hợp giữa cảm xúc và tư duy hoặc ngôn ngữ đi kèm. Gặp trong bệnh tâm thần phân liệt. - Lo âu: Người bệnh có cảm giác luôn luôn bị đe dọa bởi một cái gì rất đáng sợ. Hay gặp trong nhiều bệnh tâm thần và là triệu chứng chủ yếu trong loạn thần kinh lo âu. Bài 3: TÂM THẦN PHÂN LIỆT Câu 11: Định nghĩa và nguyên nhân tâm thần phân liệt 1. Định nghĩa Tâm thân phân liệt là một bệnh loạn thần nặng, mãn tính và tiến triển từ từ, căn nguyên của bệnh tâm thần phân liệt cho đến nay vẫn chưa được xác định và được cho là do sự tác động phối hợp của nhiều yếu tố làm biến đổi nhân cách người bệnh theo kiểu phân liệt. 2. Nguyên nhân Nguyên nhân của tâm thần phân liệt đến nay vẫn chưa được xác định và được cho là do sự tác động phối hợp của nhiều yếu tố. 2.1. Yếu tố sinh học Các chất dẫn truyền thần kinh - Doparine: do sự tăng quá mức hoạt động của hệ dopaminergic trong não bộ. - Serotonin: Khảo sát nồng độ Serotonin trong dịch não tủy của tâm thần phân liệt tác giả nhận thấy Serotonin tăng ở bệnh nhân tâm thân phân liệt mãn tính và giảm ở bệnh nhân tâm thân phân liệt cấp tính. - Ngoài ra còn có các chất dẫn truyền thần kinh khác có liên quan đến tâm thần phân liệt như: Norepinephrine, GABA (Gama Aminobutyric acid), Glutamate. 2.2. Yếu tố di truyền Các nghiên cứu về tỷ lệ mắc bệnh nhân tâm thần phân liệt trong gia đình và ở những cặp sinh đôi đã khẳng định được vai trò của yếu tố di truyền trong bệnh căn của tâm thần phân liệt. - Người có mối quan hệ càng gần gũi về huyết thống với bệnh nhân tâm thần phân liệt thì nguy cơ bị bệnh nhân tâm thân phân liệt càng cao. - Trong gia đình cả 2 bô mẹ đều bị tâm thần phân liệt thì nguy cơ mắc bệnh này ở con là 40%. - Bố hoặc mẹ bị tâm thần phân liệt thì nguy cơ mặc bệnh này ở con là 12%. - Anh chị em ruột không sinh đôi của bệnh nhân tâm thần phân liệt thì nguy cơ mắc bệnh 8%. - Nghiên cứu ở những cặp sinh đôi cùng trứng cho thấy : Nếu người này bị tâm thần phân liệt thì nguy cơ tâm thân phân liệt ở người kia là 47 %. - Sinh đôi khác trứng: Nếu người này bị tâm thần phân liệt tạ nguy cơ tâm thần phân liệt ở người kia là 12% 2.3. Bệnh lý thần kinh Các nhà nghiên cứu nhận thấy ở những bệnh nhân tâm thần phân liệt có hiện tượng tăng thể tích não thất bên, các rãnh não giãn rộng, teo não vùng trán, sừng trước não thất trái phình to tác động lên vùng ngôn ngữ dẫn đến rối loạn ngôn ngữ. Tuy các bất thường này cũng có thể gặp ở bệnh nhân rôi loạn lưỡng cực do đó không đặc trưng cho bệnh tâm thần phân liệt. 2.4. Yếu tố môi trường - Hiện không có các yếu tô môi trường đặc biệt được chứng tỏ ảnh hưởng đến nguyên nhân bệnh tâm thần phân liệt .Tuy nhiên có sự tương quan giữa bệnh tâm thần phân liệt và yếu tố môi trường. - Có giả thuyết cho rằng những người có kiểu nhân cách đặc biệt như nhân cách khép kín dễ bị tâm thần phân liệt hơn những người khác. - Một số nghiên cứu gợi ý nhiễm siêu vi hoặc suy dinh dưỡng bào thai dễ đưa đến tâm thần phân liệt do ảnh hưởng đền sự phát triển não. - Các yếu tố Stress tâm lý xã hội cũng là một nhân tố thuận lợi cho việc phát sinh bệnh tâm thần phân liệt. Câu 12: Các đặc điểm lâm sàng 1. Tính thiếu hòa hợp và tự kỷ 1.1. Thiếu hòa hợp - Thiếu thống nhất giữa các hoạt động tâm thần của người bệnh cũng như giữa người bệnh và môi trường chung quanh. - Thường được thể hiện rõ nhất giữa tư duy, cảm xúc và hành vi tác phong. - Ví dụ: + Người bệnh cười vui vẻ khi đang nói về một chuyện buồn. + Gặp chuyện vui thì tỏ ra buồn râu, gặp chuyện đau khổ thì lại vui mừng. + Vừa yêu lại vừa ghét, vừa thích lại vừa không thích (tính hai chiều). + Cười, nói một mình (hành vi kỳ dị). + Trạng thái kích động, phủ định hoặc căng trương lực. 1.2. Tự kỷ - Người bệnh dần dân tách rời khỏi thực tại, ngày càng thu mình vào thế giới nội tâm. - Họ vô cớ bỏ nghề nghiệp đang làm, bỏ học tập, ít chịu tiếp xúc với người thân, không quan tâm đến ngoại cảnh, có những ý nghĩ, hành vi, lời nói mà chỉ riêng họ hiểu được. 2. Giảm sút thế năng tâm thần Được biểu hiện rõ rệt nhất ở giai đoạn di chứng của bệnh: - Giảm sút thế năng tâm thần trong bệnh tâm thân phân liệt không có các rối loạn nặng nề về trí nhớ, trí năng mà chủ yếu là giảm sút hoạt động trong các lĩnh vực như học tập và công tác, quan hệ xã hội và chăm sóc bản thân. - Trường hợp nặng. bệnh nhân mất khả năng tự lập, không còn quan tâm đến vệ sinh cá nhân và phải dựa hoàn toàn vào sự chăm sóc của gia đình và xã hội; một số khác trở thành những kẻ lang thang vô gia cư. 3. Các rối loạn tư duy 3.1. Rối loạn hình thức tư duy - Tư duy nghèo nàn - Tư duy ngắt quảng - Tư duy bị đánh cắp - Tư duy hai chiều - Nói hỗ lốn, nói một mình, nói tay đôi, trả lời bên cạnh hoặc không nói. 3.2. Rối loạn nội dung tư duy - Chủ yếu là các hoang tưởng. Các hoang tưởng hay gặp là hoang tưởng bị hại, bị theo dõi, liên hệ, tự cao, phát minh. - Có thể có các hiện tượng tư duy vang thành tiếng, tư duy bị phát thanh, tư duy bị áp đặt hoặc bị đánh cắp. - Một số bệnh nhân khác có các hoang tưởng với nội dung kỳ quái như có khả năng điều khiển thời tiết, liên lạc với người ngoài hành tính. Các hoang tưởng kỳ quái này có giá trị cao trong chẩn đoán xác định bệnh tâm thân phân liệt. 4. Các rối loạn tri giác Người bệnh có thể có mọi loại ảo giác, nhưng hay gặp nhất là ảo thanh. Người bệnh nghe tiếng nói có thể là quen biết hay xa lạ, của một hay nhiều người với nội dung chửi bới, đe dọa, ra mệnh lệnh, bàn tán về bệnh nhân hoặc phê bình các ý nghĩ hành vi của họ. Các ảo thanh mệnh lệnh có thể gây nguy hiểm vì người bệnh có thể có hành vi tự sát hoặc tấn công người chung quanh. Ảo thị cũng hay gặp nhưng ảo xúc, ảo khứu và ảo vị rất hiếm gặp. 5. Các rối loạn cảm xúc Đặc trưng nhất là cảm xúc cùn mòn, bàng quan hoặc vô cảm. Các cảm xúc khác như cảm xúc trái ngược, cảm xúc hai chiều hoặc cảm xúc thiếu hòa hợp cũng hay gặp. Một số bệnh nhân cũng có thể có các biểu hiện trầm cảm đặc biệt sau giai đoạn loạn thần. 6. Các rối loạn hành vi Hành vi của người bệnh thường bị rối loạn nặng nề gây trở ngại cho việc tự chăm sóc bản thân cũng như trong các sinh hoạt hàng ngày. Bệnh nhân thường tỏ ra trì trệ, chậm chạp, thờ ơ với mọi việc, ăn mặc lôi thôi, có hành vi kỳ dị, căng trương lực hoặc các cơn xung động đập phá, tấn công người chung quanh, tự gây thương tích cho bản thân hoặc tự sát. Chú ý: Hiện nay, các triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt thường được chia thành 2 nhóm: + Nhóm các triệu chứng dương tính như hoang tưởng, ảo giác, kích động, căng trương lực, tư duy không liên quan; thường xuất hiện trong giai đoạn toàn phát và đáp ứng tốt với điều trị. + Nhóm các triệu chứng âm tính như cảm xúc bàng quan, tư duy nghèo nàn, thờ ơ, mất ý chí; thường xuất hiện trong giai đoạn di chứng và ít đáp ứng với điều trị. Câu 13: Tiểu chuẩn chẩn đoán và nguyên tắc điều trị 1. Tiêu chuẩn chẩn đoán Theo DSM-5 (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders - Hội tâm thần học Hoa Kỳ) năm 2013 A. Các triệu chứng đặc trưng: Hai (hoặc nhiều hơn hai) triệu chứng sau: (1) Các hoang tưởng (2) Các ảo giác (3) Ngôn ngữ vô tổ chức (thường xuyên nói lạc đề hoặc không liên quan). (4) Hành vi vô tổ chức rõ rệt hoặc hành vi căng trương lực. (5) Các triệu chứng âm tính, như cảm xúc bàng quan, tư duy nghèo nàn hoặc mất ý chí Ghi chú: Chỉ cần một triệu chứng thuộc tiêu chuẩn A nếu các hoang tưởng có nội dung kỳ quái hoặc các ảo giác bao gồm một tiếng nói liên tục bình phâm về hành vi hoặc các ý nghĩ của bệnh nhân, hoặc hai hay nhiêu hơn hai tiêng nói trò chuyện với nhau. B. Rối loạn chức năng xã hội/ nghề nghiệp: Một hoặc nhiều hơn một lĩnh vực hoạt động chính như làm việc, quan hệ với người khác, hoặc tự chăm sóc giảm sút rõ rệt so với trước khi khởi bệnh. C. Thời gian:Các triệu chứng liên tục của rối loạn kéo dài ít nhất 6 tháng. Thời gian 6 tháng này phải bao gồm ít nhất một tháng có triệu chứng (hoặc ít hơn nếu điều trị thành công). D. Loại trừ rối loạn phân liệt cảm xúc và rối loạn khí sắc: Rối loạn phân liệt cảm xúc và rối loạn khí sắc có các nét loạn thần đã được loại bỏ vì: (1) Không có các giai đoạn trầm cảm nặng, hưng cảm, hoặc hỗn hợp xảy ra đồng thời với các triệu chứng của giai đoạn toàn phát; hoặc: (2) Nếu các giai đoạn rối loạn khí sắc xảy ra trong lúc có các triệu chứng của giai đoạn toàn phát thì tổng thời gian của chúng ngắn hơn so với thời gian của các giai đoạn toàn phát và di chứng. E .Loại trừ các bệnh lý do nghiện chất bệnh nội khoa: Rối loạn không phải do các tác động sinh lý trực tiêp của một chất (Ví dụ một chât gây nghiện, một loại thuốc men) hoặc của một bệnh nội khoa. F.Quan hệ với một số rối loạn phát triển lan tỏa: Nếu có bệnh sử của rối loạn tự kỷ hoặc rối loạn giao tiếp khởi phát thời thơ ấu, chẩn đoán bổ sung tâm thần phân liệt chỉ được thiết lập nếu các hoang tưởng hoặc các ảo giác nổi bậc cùng hiện diện trong ít nhất một tháng (hoặc ít hơn nêu điều trị thành công) 2. Nguyên tắc điều trị Việc sử dụng các thuốc chống loạn thần trong tâm thần phân liệt cần tuân theo 5 nguyên tắc chính: (1) Thầy thuốc phải xác định rõ các triệu chứng đích cần điêu trị. (2) Một thuốc chống loạn thần đã có tác dụng tốt trước đây cho một bệnh nhân nên được sử dụng lại. Nêu không có thông tin này, việc chọn một thuốc chống loạn thần thường dựa trên các tác dụng phụ. Các dữ liệu hiện có cho thấy các thuốc chống loạn thần thế hệ mới (serotonine-dopamine antagonist), ít tác dụng phụ và có hiệu quả tôt hơn. (3) Thời gian tối thiểu của một thử nghiệm thuốc chống loạn thần là 4 đến 6 tuần ở liều thích hợp. - Nếu thử nghiệm không thành công có thể được dùng thử một thuốc chống loạn thần khác, thường thuộc một nhóm khác. - Khi dùng liều thuốc chống loạn thần đầu tiên các cảm giác khó chịu, loạn trương lực cơ cấp thường liên quan đến sự đáp ứng kém và không tuân thủ trong tương lai. Trong trường hợp này, thầy thuốc nên chuyển sang một thuốc chông loạn thần khác trước 4 tuần. (4) Nói chung, việc sử dụng nhiều hơn một thuốc chống loạn thần cùng lúc rất hiếm khi được chỉ định. Tuy nhiên, ở các bệnh nhân đặc biệt kháng trị, việc kết hợp các thuộc chống loạn thần với các thuốc khác như carbamazepine có thể được chỉ định. (5) Bệnh nhân cần được duy trì ở liều thuốc thấp nhất có hiệu quả, liều này thường thấp hơn liều được dùng đề kiểm soát các triệu chứng trong giai đoạn loạn thần. Bài 4: TRẦM CẢM Câu 14: Triệu chứng của trầm cảm 1. Cảm xúc trầm cảm Khoảng 90% các trường hợp người bệnh than phiền mình cảm thấy buồn, chán nản, trống rỗng, vô vọng hoặc không còn tha thiết điều gì nữa. Khám thấy: Thay đổi vẻ dáng điệu, ngôn ngữ, y phục cùng với các lời kể của bệnh nhân về mình. Một số bệnh nhân không thể khóc trong khi những người khác lại có những cơn khóc lóc vô cớ. Một số ít bệnh nhân không thấy có triệu chứng cảm xúc trầm cảm thường được gọi là trầm cảm ẩn. Các bệnh nhân này phát hiện được nhờ người chung quanh ghi nhận. Ở người lớn có tình trạng thu rút khỏi xã hội và hoạt động giảm, trẻ em thường xuất hiện tình trạng cấu kễnh, bực bội. 2. Mất hứng thú Gặp trong hầu hết các bệnh nhân. Bệnh nhân hoặc người nhà khai là người bệnh không còn tha thiết với bất kỳ hình thức hoạt động nào mà trước đó bệnh nhân rất thích như hoạt động t ì n h d ụ c, sở thích hoặc các công việc hằng ngày. 3. Mất sinh lực Gặp ở hầu hết các bệnh nhân với các biểu hiện mệt mỏi, cảm thấy không còn sức mặc dù không làm gì nhiều, nhiều bệnh nhân mô tả cảm giác cạn kiệt sức lực. Một số biểu hiện tình trạng cảm xúc và sức khỏe tôi tệ vào sáng sớm và sau đó dần khá hơn. 4. Ăn mất ngon Khoảng 70% bệnh nhân có triệu chứng này và kèm theo sụt cân, chỉ có một số ít bệnh nhân có cảm giác thèm ăn và thường thích ăn một số thức ăn đặc biệt như đồ ngọt. 5. Rối loạn giấc ngủ Khoảng 80% bệnh nhân than phiền mình có một số loại rối loạn nào đó của giấc ngủ thường gặp và gây khó chịu nhất là thức dậy sớm vào buổi sáng, thường khoảng 4 - 5 giờ sáng và các triệu chứng trầm cảm ở thời điểm này là trâm trọng nhất. Ngược lại các bệnh nhân khó đi vào giấc ngủ thường kèm theo lo âu. Triệu chứng này thường kèm với chứng nghiền ngẫm lại các dữ liệu trong cuộc sống. Vài bệnh nhân lại than phiên ngủ nhiều thay vì mất ngủ và triệu chứng thường kèm theo triệu chứng ăn nhiều. 6. Rối loạn tâm thần vận động Khoảng 50% bệnh nhân trầm cảm hành vi chậm chạp, trì trệ, chậm chạp trong suy nghĩ, lời nói, các cử động cơ thể. Hỏi một lúc mới trả lời, trả lời câu hỏi với giọng đều đều chậm và nghèo nàn, mắt nhìn xa xăm, cử động chậm chạp đôi khi nhầm với hội chứng căng trương lực. Khoảng 75% bệnh nhân nữ và 50% bệnh nhân nam có kèm theo lo âu biểu hiện với các triệu chứng kích động tâm thần vận động như hay đi tới đi lui, không thể ngồi yên một chỗ. 7. Mặc cảm tự ti và ý tưởng buộc tội Hơn 50% bệnh nhân tự đánh giá thấp bản thân, tự trách mình và khuếch đại các lỗi lầm nhỏ nhặt của mình. Nặng hơn có thể đi đến hoang tưởng hoặc thậm chí có cả ảo giác. Một số bệnh nhân cảm thấy xấu hỗ hoặc bẽ mặt. 8. Thiếu quyết đoán và tập trung giảm Khoảng 50% bệnh nhân than phiền suy nghĩ của mình qúa chậm. Họ cảm thấy không thể suy nghĩ như trước đầy, có lúc họ bận rộn hoàn toàn với các ý nghĩ xuất phát từ nội tâ. Tập trung kém và rất đãng trí (không thể tập trung để đọc báo hoặc xem ti vi ). Ứng xử trở nên lúng túng do họ không thể đưa ra các quyết định. Các trường hợp nặng có thể sa sút giả đặc biệt là ở người già. Khác với sa sút là các triệu chứng hồi phục nếu điều trị trầm cảm. 9. Ý tưởng tự sát Bệnh nhân cứ nghĩ đi nghĩ lại về cái chết. Lúc đầu họ nghĩ rằng bệnh nặng thế này thì chết mất. Dần dần bệnh nhân cho rằng họ chết đi cho đỡ đau khổ. Từ ý nghĩ tự sát, họ sẽ có hành vi tự sát và lập ra kế hoạch tự sát. Nguy cơ tự sát gặp trong tất cả các đoạn của bệnh nhưng cao nhất là ngay lúc mới bắt đầu điều trị và khoảng từ 6 — 9 tháng sau khi các triệu chứng cơ thể đã hết. 10.Lo âu Triệu chứng căng thẳng nội tâm, lo sợ, đánh trống ngực, mạch nhanh, cồn cào bao tử. Thường các triệu chứng lo âu và trầm cảm đi kèm và đôi khi rất khó phân biệt bệnh nhân bị rối loạn trầm cảm hay rối loạn lo âu. 11.Triệu chứng cơ thể Ngoài các triệu chứng thực vật cổ điển của trầm cảm như ngủ, ăn ít, mất sinh lực, giảm t ì n h d ụ c, hành vi kích động hoặc chậm chạp thì bệnh nhân còn có một số triệu chứng cơ thể đi kèm. Đó là đau đầu, đau lưng, chuột rút, buồn nôn, nôn, táo bón, thở nhanh, thở sâu, đau ngực. Chính các triệu chứng này làm bệnh nhân trầm cảm đến các cơ sở đa khoa thay vì tâm thần. 12.Loạn thần Các triệu chứng ảo giác và hoang tưởng có thể cùng nội dung phù hợp với trầm cảm hoặc không phù hợp với trầm cảm. Các bệnh nhân trầm cảm có biểu hiện loạn thần thường khó đáp ứng với điều trị và cũng dễ tái phát hơn. Câu 15: Tiêu chuẩn chẩn đoán Tiêu chuẩn chẩn đoán của trầm cảm theo ICD-10 (International Classification Diseases: Phân loại bệnh tật theo Quốc Tế), năm 1992. Giai đoạn rối loạn trầm cảm điển hình bao gồm: * Có ít nhất 2 trong 3 triệu chứng chủ yếu là: a. Khí sắc trầm cảm b. Mất mọi quan tâm và thích thú. c. Giảm năng lượng dẫn đến mệt mỏi và giảm hoạt động * Có ít nhất 3 triệu chứng phổ biến khác là: a. Giảm tập trung chú ý. b. Giảm tự trọng và lòng tự tin. c. Những ý tưởng bị tội và không xứng đáng d. Nhìn tương lai ảm đạm và bi quan e. Có ý tưởng và hành vi tự sát f. Rối loạn giấc ngủ g.Ăn Không ngon miệng. * Thời gian tồn tại ít nhất là 2 tuần. * Không phái là hậu quả của nghiện rượu, ma túy, chấn thương sọ não. * Mức độ nặng của trầm cảm: - Trầm cảm nhẹ: có 5-6 triệu chứng (vừa đủ chẩn đoán trầm cảm), các chức năng xã hội, nghề nghiệp bị ảnh hưởng nhưng chưa trầm trọng. - Trầm cảm vừa : có 7-8 triệu chứng, các chức năng xã hội, nghề nghiệp bị ảnh hưởng rất rõ ràng. - Trầm cảm nặng: có 9-10 triệu chứng, các chức năng xã hội, nghề nghiệp bị ảnh hưởng trầm trọng.Trầm cảm nặng được chia thành 2 loại: + Trầm cảm nặng không loạn thần + Trầm cảm nặng có loạn thần : loạn thần phù hợp với khí sắc ( hoang tưởng nghi bệnh, hoang tưởng buộc tội), loạn thần không phù hợp với khí sắc ( hoang tưởng bị hại, hoang tưởng bị chi phối ) Bài 6: NGHIỆN MA TÚY Câu 16: Khái niệm nghiện ma túy. Nêu ví dụ Theo WHO, nghiện ma túy là tình trạng lệ thuộc về mặt tâm thần hoặc thể chất hoặc cả hai khi một người sử dụng ma túy lặp đi lặp lại theo chu kỳ hoặc dùng kéo dài liên tục một thứ ma túy và tình trạng lệ thuộc này làm thay đổi cách cư xử, bắt buộc đương sự luôn cảm thấy sự bức bách phải dùng ma túy để có được những hiệu ứng ma túy về mặt tâm thần của ma túy và thoát khỏi sự khó chịu, vật vã do thiếu ma túy. Tình trạng lệ thuộc này có thể kèm theo hiện tượng dung nạp ma túy hoặc không, một người có thể bị lệ thuộc vào nhiều loại ma túy. - Lệ thuộc tâm thần ( lệ thuộc tâm lý) : là sự buộc phải dùng thuốc mặc dù biết rõ tác hại của nó. Lệ thuộc tâm lý là lệ thuộc nhân cách đối tượng và bản chất của gây nghiện, là một nhu cầu về tâm lý trong việc dùng một chất gây nghiện mà bệnh nhân không có khả năng tự bỏ được. - Lệ thuộc thể chất (lệ thuộc cơ thể): xuất hiện hội chứng cai khi ngưng thuốc với biểu hiện vật vã, khó chịu như hồi hộp, đánh trống ngực…. làm BN tìm thuốc sử dụng để tránh hội chứng cai. Hội chứng cai thường biểu hiện tùy loại ma túy. Câu 17: Triệu chứng nghiện morphin và xử trí 1. Các họ morphin/ nhóm opioid Các thuốc họ Morphin thường mau chóng dẫn đến sự lệ thuộc tâm lý và cơ thể luôn có hậu quả xấu. Gồm có thuốc phiện, các dẫn chất từ thuốc phiện, các chất tổng hợp có tác dụng giống Morphin tuy cấu trúc hóa học giống Morphin rất ít. Ngoài thuốc phiện và Morphin các chất hay sử dụng khác là heroin, Codein….. Bao gồm: - Nghiện thuốc phiện - Nghiện morphin - Nghiện heroin 2. Nghiện morphin 1. Triệu chứng Morphin là thuốc giảm đau rất công hiệu, nhưng dễ nghiện dùng 15-20mg mỗi ngày 4 lần trong hai tuần là có thể nghiện. Ở người lớn, liều gây độc khoảng từ 0,03 – 0,05g morphin liều gây chết khoảng 0,1g morphin tiêm và 0,20 – 0,40g morphin uống. Lần đầu dùng thường xuất hiện triệu chứng ngộ độc cấp: Lần đầu thường có cảm giác khó chịu. nặng đầu, chóng mặt, khô miệng, buồn nôn, mạch nhanh nhẹ, ngủ càng ngày càng sâu, hôn mê, đồng tử co nhỏ như đầu đinh ghim, PXAS âm tính , rối loạn nhịp thở, thở chậm 2-4 lân/phút. Triệu chứng nghiện thuốc: Khi quen thuốc bệnh nhân thấy khoan khoái dễ chịu lim dim, đồng tử nhỏ lại, nhiệt độ giảm nhẹ, rối loạn tâm lý , hay nói đối, lười lao động, lười tắm, mất cảm giác đói, bị táo bón, da đỏ, ngứa, thiếu máu, run, môi tím, đàn ông bất lực, đàn bà mất kinh. Triệu chứng cai: Xảy ra nặng nhất sau 36-72h sau liều cuối cùng, mất dần sau 2-3 tuần. Khi dừng Morphin độ ngột xuất hiện triệu chứng vật vã, đau cơ, đau xương, thao thức, bồn chồn, ngáp vặt, u sầu, tâm trạng thất thường, tăng thân nhiệt, giãn đồng tử, vã mồ hôi, chảy nước mắt, mũi, đau quặn bụng, tiêu chảy, chán ăn, sút cân, mất nước, tăng nhịp tim, huyết áp tăng. 2.Xử trí - Khi có hiện tượng quá liều cần cấp cứu hồi sức chống suyhoo hấp và trụy tim mạch với thuốc đối vận Naloxone qua đường TTM. - Đối với hội chứng cai điều trị bằng thuốc giải lo âu hoặc an thần kinh êm dịu Tercian, thuốc giảm đau, thuốc chống co thắt, thuốc gây ngủ laoij Theralene. Để phòng ngừa có thẻ dùng Clonidine 1/5 viên 6h theo dõi chặt chẽ huyết áp và chống chỉ định, tăng liều từ từ 2 viên/24h. - Khi bệnh nhân lệ thuộc nặng cần điều trị thay thế Mathadone 100mg/ngày hoặc Subutex 4-8mg/ ngày. Sau đó iamr dần liều trong 8-10 ngày rồi ngưng hẳn. Bài 7: NGHIỆN RƯỢU Câu 18: Triệu chứng và điều trị loạn thần do rượu - Thường xuất hiện khi ngưng rượu ở người lệ thuộc rượu. - Thường có tiền sử uống rượu > 10 năm . - Gồm các ảo giác, đặc trưng của ảo giác do rượu là ảo thị và ảo thanh, xảy ra khi ý thức của bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo. Ảo thanh có thể xuất hiện đơn độc, nhưng cũng có thể phối hợp với ảo thị. Ảo thanh có thể tiến triển cấp tính từ vài ngày đến một tháng hoặc bán cấp tính từ 1 - 3 tháng và có thể kéo dài mạn tính từ trên 3 tháng trở lên và bệnh cảnh lâm sàng gần giống tâm thần phần liệt nhưng hiếm gặp. - Nếu bệnh nhân kích động, có thể dùng nhóm Benzodiazepines như Lorazenpam (Ativan) 1- 2mg uống hoặc tiêm bắp mỗi 4-6 giờ). - Nếu ảo giác, hoang tưởng kéo dài có thể dùng thuốc chống loạn thần: haloperidol liều 2-5mg/ngày. Câu 19: Triệu chứng và điều trị hội chứng cai 1. Triệu chứng Các triệu chứng cai bắt đầu xuất hiện trong vòng 6-24 giờ kể từ lần uống rượu cuối cùng hoặc khi giảm đột ngột ở người nghiện rượu lâu ngày. Gồm các triệu chứng : - Thèm rượu mãnh liệt - Run tay chân - Ăn ít, nôn, buồn nôn - Mất ngủ - Rối loạn thần kinh thực vật - Lo lắng quá mức - Kích động tâm thần - Có ảo giác, hoang tưởng - Cơn co giật kiểu động kinh : Báo hiệu sắp chuyển sang mê sảng do rượu 2. Điều trị ·Điều trị triệu chứng - Benzodiazepine ( lặp lại đến khi kiểm soát triệu chứng ) + Diazepam : 5 -10mg TMC mỗi 5-10ph + Lorazepam : 2-4mg TMC mỗi 15-20ph + Chlordiazepoxide: 25-100mg uống mỗi 1 giờ ·Điều trị hỗ trợ - Thiamine 100mg TMC - Bổ sung vitamin - Dịch truyền - Bổ sung calci, magie, kali Bài 8: CÁC RỐI LOẠN LIÊN QUAN STRESS Câu 20: Rối loạn stress sau chấn thương 1. Biểu hiện lâm sàng Rối loạn stress sau chấn thương là một phản ứng muộn và dai dẳng xảy ra ở người đã bị một Stress cực nặng về cơ thể hoặc tình cảm ( chiến tranh, thiên tai, hành hung, hoặc cưỡng bức, người thân chết đột ngột, cháy nhà, bị tra tấn, khủng bố, cưỡng dâm, tiêu tan sự nghiệp tìa sản…) Các yếu tó thuận lợi về nhân cách hoặc tiền sử loạn thần kinh dễ làm bệnh xuất hiện và làm trầm trọng thêm. Triệu chứng điển hình: Gồm 3 nhóm triệu chứng tâm lý chính: - Cảm nhận lại: gồm những cơn tái hiện lại chấn thương hoặc những giấc mơ hãi hùng nhắc lại biến cố trải qua, suy nghĩ thật nhiều ngày đêm vì biến cố, có cảm giác như biến cố đó lặp lại ngay trong hiện tại, sưu tầm tài liệu liên quan đến biến cố, phản ứng sinh lý và tâm lý y như lúc biến cố xảy ra khi gặp vài nguyên nhân nhắc đến biến cố. Triệu chứng nặng là ảo thanh và ảo thị - Tránh né: Cố gắng không suy nghĩ hay để cập những vấn đê liên quan đến biến cố, tránh né các hoạt động hoặc tình huống gợi nhớ lại biến cố, tách rời với mọi người xung quanh, tình cảm xơ cứng, không hồn nhiên như trước nữa, không giao thiệp bạn bè, chán nản, mất hứng thú, bực bội với người thân trong gđ, không muốn gần gũi ai. - Tăng nhạy cảm: Rối loạn giâc ngủ vì ác mộng, hay giật minh với tiếng động nhỏ, có cảm giác đề phòng, có thể có những cơn sợ hãi, hoảng loạn, gây hấn đữ dội khi gặp những kích thích gợi nhớ lại hoàn cảnh chấn thương. Người bệnh có những rôi loạn vê thân kinh thực vật, lo âu, trầm cảm với ý tưởng tự sát, tập trung kém. Họ thường lạm dụng rượu và ma túy có thê là do ảnh hưởng này. Rối loạn thường xuât hiện sau nhiều tuần hoặc nhiều tháng sau chấn thương nhưng ít khi quá 6 tháng, tiên triên dao động nhưng thường phục hồi tốt, một số rối loạn trở thành mạn tính trong nhiều năm làm biến đổi nhân cách. 2. Chẩn đoán xác định theo ICD-10 - Rối loạn stress sau chấn thương chỉ xảy ra trong vòng 6 tháng sau một sang chấn rất mạnh, tuy nhiên nếu kéo dài hơn 6 tháng thì có thể tạm thời chẩn đoán rối loạn stress sau chấn thương, nếu có biểu hiện lâm sàng điển hình và không có rối loạn khác như lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế hoặc trầm cảm gây ra. - Ngoài tiền sử về chấn thương phải có hồi ức buộc lặp đi lặp lại, hoặc tái hiện tình huống chấn thương trong ký ức, trong mê mộng ban ngày hoặc trong giấc mơ. - Cảm xúc thờ ơ rõ rệt tê liệt tình cảm, tránh né kích thích gợi nhớ thường gặp nhưng không phải là thiết yếu cho chẩn đoán nhưng không phải là quan trọng hàng đầu. - Các di chứng mạn tính của stress cực nặng biểu hiện nhiều chục năm sau chấn thương được xếp vào “biến đổi nhân cách kéo dài sau chấn thương thê thảm”. Bài 9: CẤP CỨU TÂM THẦN Câu 21: Xử trí bệnh nhân tâm thần kích động 1. Nguyên tắc - Thái độ can thiệp càng sớm càng tốt, yêu cầu người xung quanh giúp đỡ khống chế bệnh nhân, tạm thời tách bệnh nhân và người nhà, bệnh nhân được khám ở phòng yên tĩnh, thầy thuốc khám bệnh phải có mặt y tá hoặc nhân viên bảo vệ bên cạnh để giúp cố định bệnh nhân hay yêu cầu một vài người phụ giúp để phòng cơn kích động tái phát và hành vi nguy hiểm của bệnh nhân. - Thầy thuốc cần hết sức bình tĩnh bằng thái độ ân cần, điềm đạm, thông cảm nhưng cương quyết để làm giảm nhẹ tình huống. Tuyệt đối không nên thảo luận trước mặt bệnh nhân vì co thể làm tăng sự hung hãn của bệnh và đề phòng bệnh nhân có thể tấn công bất ngờ. - Trước và sau khi xử trí nên đả thông tử tưởng để người nhà yên tâm và ránh quá thô bạo vì có thể gãy tay, trật khớp. - Chuẩn bị các phương tiện dây cố định, thuốc men ( luu ý không để bênh nhân biết) , lấy các đồ vật nguy hiểm ra khỏi người bệnh nhân nếu có. - Không để bệnh nhân một mình phải chăm sóc theo dõi toàn diện tránh gây thương tích. - Tiếp xúc với gia đình để biết hoàn cản xuất hiện, cách khởi đầu và tiến triển của cơn kích động. hỏi tiền sử của bệnh nhân về các bệnh lý nôi khoa và tâm thần, sử dụng chất để xác định nguyên nhân kích động. - Nếu bệnh nhân đồng ý cho khám thì tiến hành khám ngay. - Nếu bệnh nhân quá kích động không chịu tiếp xúc, không khám được cũng phải điều trị ngay. 2. Thuốc: Tùy thuộc vào độ nặng và nguyên nhân gây kích động: · Kích động nhẹ với sự lo âu nổi bật như trong các bệnh loạn thần kinh, trong động kinh, cai rượu, sảng hoặc kích động ở người già có thể dùng: - Diazepam 10mg tiêm bắp, hoặc - Loaepam 2-4mg tiêm bắp, hoặc - Tranxene 25-50 mg tiêm bắp · Kích động mạnh, đập phá trong các bệnh tâm thần; - Haloperidol 5-10mg TB, có thể lặp lại sau mỗi giờ cho đến khi BN yên tĩnh, tối đa 50mg/ngày. Haloperidol thường được dùng do hiệu quả và ít gây hạ huyết áp. - Hoặc Chlorpromzine 25-50mg TB, có thể lặp lại sau 2-3h, tối đa 400mg/ngày. Khi dùng Chlorpromazine cần thận trọng do thuốc dễ gây hạ huyết áp, đặc biệt ở BN có thể trạng kém, bỏ ăn uống. Thông thường au giờ thứ 6 thì trạng thái tâm thần của người bệnh ổn định. · Nếu trường hợp kích động chưa rõ nguyên nhân: Tiêm Diazepam 10mg, 1-2 ống ( TM) Thường sau khi tiêm thuốc vài phút , tình trạng kích động sẽ dịu đi, BN bắt đầu lơ mơ ngủ…. tranh thủ lúc này ta sẽ tiến ành thăm khám kỹ hơn trên người bệnh để tìm hiểu nguyên nhân. · Điều trị cụ thể theo từng nguyên nhân gây kích động: - Kích động trong tâm thần phân liệt: + Haloperidol 5mg, 1-2 ống TB hoặc + Chlorpromazine 25mg , 1-2 ống TB + Có thể phối hợp thêm : Diazepam 10mg, 1-2 ống TM - Kích động trong động kinh tâm thần + Phenobarbitate 20mg, 1 ống TB, 1-2 lần/ngày + Có thể phối hợp thêm Seduxen 10mg, 1 ống, TM 2-3 lần/ngày - Kích động do rượu + Thuốc lựa chọn đầu tiên là Seduxen 10mg, 1 ống, Tm 2-3 lần/ngày + Nếu tình trạng kích động không cỉ thiện có thể thêm: Haldol 5mg, 1 ống/lần x 1-2 lần/ngày, nhưng phải hết sức thận trọng. - Kích động trong các bệnh lý nhiễm trùng, nhiễm độc: + Tốt nhất là điều trị nhiễm trùng, nhiễm độc. + Nếu cần thiết để làm BN yên dịu có thể dùng: Seduxem 10mg, 1-2 ống/ngày TM hoặcLorazepam 1-3 ống/ngày - Kích động ở người già: việc dùng thuốc an thần kinh phải hết sức thận trọng, nên dùng liều thấp, tăng dần. - Các trạng thái kích động do pahnr ứng tâm lý: nên kiên trì giải thích động viên bệnh nhân, nếu cần thiết có thẻ dùng Seduxen 10mg ( TM), 1-2 ống/ ngày và chỉ dùng 1-2 ngày đầu. - Cần chuyển sang thuốc uống khi BN hết trạng thái kích động. - Không nên dùng an thần kinh liều cao, kéo dài vì dễ gây ra tình trạng ngộ độc thuốc. 3. Choáng điện Trong cơ sở chuyên khoa tâm thần có thể dùng sốc điện trong các TH sau: - Kích động kéo dài, thuốc an thần kinh ít hiệu quả hay CCĐ - Kích động trầm cảm với ý tưởng hoặc hành vi tự sát mãnh liệt - Kích động căng trương lực bệnh nhân không chịu ăn uống. Choáng điện mỗi ngỳ một lần, mỗi đợt 6-8 lần. 4. Chăm sóc và điều trị hỗ trợ - Sau khi BN qua khỏi kích động nên có NVYT hay người thân bên cạnh, giải thích hợp lý để người bệnh yên tâm, tránh lo lắng, sợ hãi trước môi trường mới. - Để BN nằm phòng yên tĩnh, theo dõi sát các DHST ( M, N, HA, NT, sắc mặt,….) - Chú ý bồi phụ nước – điện giải - Chú ý khâu ăn uống, vệ sinh thân thể, phòng chống loét. - Hỏi kỹ bệnh sử, thăm khám lâm sàng và cho làm các xét nghiệm để xác định bệnh và có hướng điều trị thích hợp. Ngoài ra để phòng ngừa sự tái phát của các cơn kích động cần phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý cơ thể và tâm thần, chống các tật xấu như nghiện rượu, ma túy, tránh các sang chấn tâm lý.