NHẬP NỘI DUNG CẦN TÌM KIẾM VÀO Ô NÀY!

Sách [SỰ KIỆN RA MẮT SÁCH] Chuyện Trà – Lịch sử một thức uống lâu đời của người Việt

Thảo luận trong 'THƯ VIỆN SÁCH HAY' bắt đầu bởi bacsitre, 25/12/21.

LÀ 1 THÀNH VIÊN BIẾT CHIA SẺ - HÃY ĐĂNG BÀI XÂY DỰNG CỘNG ĐỒNG
BẤM NÚT LIKE CUỐI BÀI - COMMENT CẢM ƠN NGƯỜI ĐĂNG - SHARE BÀI VIẾT CHO CỘNG ĐỒNG LÀ HÀNH VI ỨNG XỬ ĐẸP CÓ VĂN HÓA
  1. bacsitre

    bacsitre Thành viên tâm huyết PreMOD Thành viên

    Tham gia ngày:
    17/3/18
    Bài viết:
    2,713
    Đã được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    16
    Money:
    27,121$
    Hà Nội, những ngày cuối năm 2021 – Vẫn nghiêm cẩn, công phu, sắc sảo như trong Ngàn năm áo mũ, nhưng thêm vào đó vẻ phóng khoáng, tươi mới từ những chuyến đi và những trải nghiệm riêng, Trần Quang Đức trở lại để kể về một thức uống có lịch sử lâu đời của người Việt. Trong khoảng thinh không lắng đọng, câu chuyện trà hiện lên qua giọng kể của anh, từ nơi rừng núi bạt ngàn đến chốn phòng văn thanh nhã, từ thuở sơ khai dân dã cho đến hình thái tinh xảo dụng công. Vượt qua tất cả các giới hạn về không gian và thời gian, trà ngày nay vẫn kết nối con người trong một thế giới tinh thần dung dị, khiến những dao động trong lòng ta dần chậm lại, nhịp nhàng hơn, tiến tới một sự cân bằng thật đẹp.

    Nhân dịp ra mắt sách Chuyện Trà – Lịch sử một thức uống lâu đời của người Việt, Nhã Nam trân trọng tổ chức buổi ra mắt sách, thông tin cụ thể như sau:

    Thời gian: 9h00-10h30 thứ Tư, 29 tháng 12 năm 2021

    Địa điểm: Nhã Nam Books n’ Coffee, số 3 Nguyễn Quý Đức, Thanh Xuân, Hà Nội

    [​IMG]

    GIỚI THIỆU TÁC PHẨM

    Chuyện Trà – Lịch sử một thức uống lâu đời của người Việt là cuốn cẩm nang về trà được viết dựa trên sự khảo chứng, đối chiếu với sử liệu Việt Nam, Trung Quốc và phương Tây. Không chỉ mang tính khảo cứu, cuốn sách là sự hài hoà giữa sử liệu và những suy ngẫm của tác giả về chuyện xưa, chuyện nay cùng những thế thái nhân tình qua lá trà.

    Cuốn sách dẫn dắt độc giả đi từ Trà nguồn cội – giống cây, tên gọi, thú vui uống trà, lần lượt qua Trà mộc mạc, Trà hương sắc – từ lối uống cổ truyền dân dã đến những hình thái tinh xảo của trà, chậm rãi bước đến Trà thưởng thức – về cách pha hãm và dụng cụ trà, và kết lại ở Trà tinh thần những kết nối quanh chén trà. Phụ lục Thưởng trà giai phẩm tuyển và dịch những áng văn thơ hay viết về trà của người Việt là một tư liệu quý, thỏa mãn độc giả yêu trà và mong muốn tôn vinh trà Việt. Kết hợp tinh thần khách quan, cái nhìn phóng khoáng và giọng kể thâm trầm, Chuyện Trà đưa người đọc vào với thế giới trà một cách tự nhiên và khiến ta quyến luyến mãi trong thế giới dung dị đó.

    Như được nghe qua hàng ngàn câu chuyện về tách trà của cha ông, Chuyện Trà giúp độc giả biết thêm về lịch sử của trà ở Việt Nam thông qua những sử liệu chi tiết mà tác giả thu thập được, cùng với đó làm rõ thêm bằng những kiến giả, so sánh với lịch sử trà ở Trung Hoa. Những câu chuyện thú vị về kĩ thuật pha chế cùng cách thưởng trà của cha ông ta cũng được Trần Quang Đức kể lại thật hấp dẫn.

    Không chỉ dừng ở việc cung cấp kiến thức, tác giả còn tuyển chọn những câu chuyện của người xưa thưởng trà, có thể kể đến như Nguyễn Trãi, Lê Hữu Trác, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phạm Đình Hổ, Cao Bá Quát … Câu chuyện của những nhân vật đặc biệt này khiến Chuyện Trà thêm phần đặc sắc, như một tách trà ngọt dịu, chát nhẹ, thanh mát và thật tròn vị.

    “Trà không phải là trà, Chuyện trà cũng đâu chỉ có chuyện trà thôi đâu! Đặt Chuyện trà xuống, sẽ có hàng ngàn chuyện trà khác tiếp tục ra đời…” – Nguyễn Sử

    “… không chỉ như suối nguồn tuôn chảy về kiến thức mà nhiều quãng là sự cô đọng, nhấn nhá của từng ngụm trà được ủ vừa đủ, rót ra đúng lúc. Có hương thơm thoảng của hoa và cỏ lá rừng già, có cái chát nhẹ nhưng ngọt dịu cuống lưỡi, có cái thanh mát như bạc hà lẩn khuất, uống rồi vẫn còn dư vị đâu đây, còn muốn nâng chén lên tiếp tục thưởng thức.”

    – Nguyễn Thị Ánh Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam

    “Mỗi người, khi cầm cuốn sách này lên và đọc sẽ tìm thấy trong nó những điều thú vị riêng. Với riêng tôi, khi đọc Chuyện Trà, tôi thấy mình thêm một lần được nghe thấy tiếng của cha ông.”

    – Nguyễn Quốc Vương

    VỀ TÁC GIẢ

    Trần Quang Đức sinh năm 1985 tại Hải Phòng. Năm 2013, Ngàn năm áo mũ – công trình đầu tiên của anh được xuất bản, bổ sung những nét phác họa chi tiết hơn vào khoảng trống mờ nhạt mênh mông của lịch sử trang phục Việt Nam, đồng thời thổi một luồng gió mới, góp phần thúc đẩy phong trào cổ phục cũng như cổ phong trên cả nước. Từ đó đến nay, anh vẫn luôn giảng dạy Hán Nôm và tư tưởng phương Đông, truyền đam mê lịch sử và văn hóa truyền thống cho người học nhiều lứa tuổi.

    Trần Quang Đức đồng thời là dịch giả của các tác phẩm Trà kinh (2008), Chuyện tình giai nhân (2011) và Trường An loạn (2012).

    [​IMG]

    TỰ TỰA

    Quãng mười lăm năm trước, tôi hay lê la quán xá, sáng tối nã trà bồm như một thói quen, chưa thể nói là mê trà. Từ khi chơi thân với người bạn vong niên, được đãi toàn trà tuyệt phẩm, dần mới bén duyên thực sự với trà, về sau, dù leo núi hay ra sông, đều lăm lăm mang theo trà cụ. Trà bầu bạn, gắn liền với cuộc sống kể từ đó.

    Hà Nội trước chỉ có vài quán trà có thể điểm mặt gọi tên, thành ra mỗi khi hay tin có quán mới, tôi cùng anh bạn thân lại hẹn nhau tới chơi, gặp được chủ quán là dân làm trà, càng lấy làm thích. Giao du với dân trà, được nghe câu chuyện về trà nhiều hơn. Dĩ nhiên, đã gọi là câu chuyện thì có tính chất sáng tác, đôi khi là sáng tác ngẫu hứng, tức thời. Trong giới trà vốn đầy rẫy những câu chuyện ba thực bảy hư. Đến khi trà thiền vang bóng, tinh thần uống trà lại càng vi diệu. Với rượu mà nói, rượu ngon là ngon, mấy ông nhậu cùng lắm tấm tắc khen đôi câu, sau đó nâng ly cạn chén, uống là uống, chẳng lý sự rườm. Nhưng trước bàn trà lại khác, không chỉ cần áo xiêm đạm nhã, trà cụ tinh tươm, thao tác nhịp nhàng, nói cười khẽ nhẹ, đôi lúc trong khoảng thinh không lắng đọng, tinh thần lãng đãng, người ta còn nói về trà như một thức uống tịnh tâm, như sương tựa mây, như tiên tựa bụt. Hai thức trà rượu, bản chất đều có điều hay dở. Ngay như Lục Vũ, trà thánh Trung Hoa, bên cạnh danh trước Trà kinh, còn viết Hủy trà luận, cũng chính bởi thấy được tinh thần quá câu nệ hình thức của người uống trà.

    Xét ra, con người ai chẳng có hai phần tính cách, phần động hướng ngoại và phần tĩnh hướng nội. Tùy từng thời điểm, từng chặng đường phát triển, tâm tính bộc lộ ra có lúc này lúc khác. Khi sôi nổi thì hòa đồng, lăn xả, thích khuấy động cho ra trò; lúc trầm lắng lại rút về cô độc, tha thẩn chơi trong một góc riêng mình. Cái thú trước cuộc rượu bàn trà cũng như thế. Rượu có xu hướng hướng ngoại, trà thì hướng nội. Uống rượu ắt phải có hội bạn, cùng nhau ngả nghiêng vung chén, hò hét vang trời mới vui. Còn thưởng trà chỉ cần một đôi người, khi xem hoa sớm, lúc ngắm trăng khuya, nhiều khi chẳng cần bầu bạn, bất tất nhiều lời. Rượu đa phần có sẵn, ẩm giả lấy rượu là men say, tạo hứng khởi hoặc xua tan phiền muộn, “hôm nay có rượu, nay say khướt; ngày mai sầu đến, ngày mai sầu” (La Ẩn), “chỉ mong già chết trong hoa rượu, chẳng muốn khom mình trước ngựa xe” (Đường Dần), mấy ai có nhu cầu tìm hiểu sử rượu, cũng như cách thức nấu pha. Trà lại khác. Trà phải để ý nước nôi, sắp đặt ấm chén chậm rãi thong thả, trà nhân cũng thường khoái cảnh nhâm nhi chén trà bên trang sách, “trà quện hương hoa mộc, sách xanh biếc tàu tiêu” (Cao Bá Quát), “kẹp sách im lìm song trúc biếc; chén trà thanh nhẹ án sen thơm” (Tuy Lý vương Miên Trinh). Người thưởng trà cũng thích tìm hiểu xem các phẩm trà ngon được chế tác thế nào, hương trà bởi đâu mà có, cách pha hãm làm sao để được chén trà thơm ngon, tinh tế. Đi xa hơn, còn thắc mắc, trà nguyên sản từ đâu; đất Việt có những danh nhân nào sành trà; các vị Trần Thái Tông, Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát thưởng trà, cách thức có khác nhau không? Nhu cầu tìm hiểu sử trà bởi vậy cần thiết hơn rượu. Chuyện Trà ra mắt bạn đọc là vì thế.

    Chuyện Trà là tập hợp những câu chuyện lịch sử xoay quanh trà Việt sau khi được khảo chứng, đối chiếu với sử liệu. Nội dung bao quát từ chè tươi tới trà sao sấy, ướp hương; từ cách uống trà với gừng đun bằng nồi cho tới lối trà chuyên với trà cụ tươm tất; từ trà Việt Nam tới trà Trung Quốc; từ trà Thiền đạo tới thơ phú văn chương. Mặc dù cố gắng khảo cứu khách quan, song xét đến cùng, vẫn không thể khẳng định hết thảy câu chuyện trình bày đều là sử thực, cho nên Chuyện Trà chỉ nên coi là những câu chuyện được kể lại có chứng lý nhất trong khả năng của tác giả mà thôi. Bên cạnh đó, đây không phải dạng sách khảo cứu chuyên môn, không có những giải trình khoa học như danh xưng trà Việt cần định nghĩa ra sao; nước vối, nước hoa cúc, trà thảo mộc có được coi là trà không; nội hàm trà Việt bao gồm trà của những dân tộc nào? v.v. Những thứ khoa học rắc rối ấy không tương thích với việc thưởng trà.

    Chuyện Trà được tôi khởi thảo vào đầu năm 2020, trong đợt giãn cách xã hội đầu tiên diễn ra trong cả nước. Sau nửa năm, cuốn sách bị tạm gác do dịch tình trong nước được khống chế, việc dạy việc nhà choán hết thời gian. Tới tháng Năm năm 2021, khi đại dịch lại hoành hành khắp Bắc Nam, tôi lánh vào Đà Lạt để tập trung hoàn thành cuốn sách. Chuyện Trà chắc chắn không thể hoàn thành sớm nếu không có sự giúp đỡ và động viên của những người đồng nghiệp, người bạn thân thiết của tôi. Nhân đây, tôi xin được bày tỏ lòng cảm ơn tới Công ty Gốm sứ Minh Long đã có hỗ trợ tài chính đáng quý giúp đỡ tôi trong thời gian viết sách. Xin cảm ơn chị Nguyễn Thị Ánh Hồng, phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Chè Việt Nam, người đã chia sẻ với tôi nhiều kiến thức và tư liệu chuyên môn. Cảm ơn em Nguyễn Thùy Chi, Dương Xuân Quang, Lê Phương Duy, Cao Thiên Sinh, bạn Trần Văn Quyến, Alex Giang, chị Quách Thu Hiền, anh Nguyễn Tuấn Cường, Hoàng Tuấn Công, Lê Hồng Khánh, Nguyễn Thế Bách đã ít nhiều giúp đỡ tôi tìm tòi và cung cấp tư liệu tương quan. Xin cảm ơn những người bạn Nguyễn Văn Hải, Trần Trọng Ngữ, Nguyễn Hữu Sử, Nguyễn Quốc Vương, Nguyễn Ngọc Dân, Nguyễn Ngọc Thanh, Phùng Đắc Quang, Từ Quốc An, Nguyễn Thái Bình, Trần Đức Lân, Đỗ Thu Lý, Đỗ Thị Mỹ Vân, Dương Hồng Hạnh, Vũ Phi Yên, Nguyễn Thị Quỳnh Hoa đã luôn sát cánh động viên tinh thần. Cảm ơn các anh chị, các bạn quản lý Nhà Trăng, Andante Đà Lạt đã yêu quý, hỗ trợ trong quá trình tôi viết sách tại đây. Đặc biệt xin cảm ơn bố mẹ và em gái tôi, những người đã thu vén việc nhà để tôi có thể vắng mặt, chuyên tâm vào công việc.

    Mọi ý kiến đóng góp của bạn đọc xin được gửi về hòm thư: [email protected]. Cuốn sách chắc chắn sẽ được hoàn thiện hơn, trong những lần tái bản sau. Tôi xin chân thành cảm ơn!

    Đà Lạt, ngày 28 tháng 5 năm 2021, Trần Quang Đức tự tựa.

    Nguồn tin: Nhã Nam

    The post [SỰ KIỆN RA MẮT SÁCH] Chuyện Trà – Lịch sử một thức uống lâu đời của người Việt appeared first on Điểm sách, Book review.
     
DMCA.com Protection Status