NHẬP NỘI DUNG CẦN TÌM KIẾM VÀO Ô NÀY!

Sách [Review Sách] “Phương Đông Lướt Ngoài Cửa Sổ”: Chân Dung Châu Á Những Năm 70 Qua Con Mắt...

Thảo luận trong 'THƯ VIỆN SÁCH HAY' bắt đầu bởi bacsitre, 4/6/21.

LÀ 1 THÀNH VIÊN BIẾT CHIA SẺ - HÃY ĐĂNG BÀI XÂY DỰNG CỘNG ĐỒNG
BẤM NÚT LIKE CUỐI BÀI - COMMENT CẢM ƠN NGƯỜI ĐĂNG - SHARE BÀI VIẾT CHO CỘNG ĐỒNG LÀ HÀNH VI ỨNG XỬ ĐẸP CÓ VĂN HÓA
  1. bacsitre

    bacsitre Thành viên tâm huyết PreMOD Thành viên

    Tham gia ngày:
    17/3/18
    Bài viết:
    2,713
    Đã được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    16
    Money:
    27,121$
    Châu Á là một vùng đất đẹp. Nó đẹp về mặt hình thức với những ngọn núi, ngọn đồi mênh mông xanh mướt bậc nhất Trái Đất, với những đại dương, sông hồ long lanh không kém những lục địa khác. Châu Á còn mang vẻ đẹp tâm linh khi nơi đây chính là mảnh đất đã sinh ra và nuôi dưỡng những nền tôn giáo, những nền văn hóa, những tâm hồn trù phú bậc nhất. Đi hết mọi vùng miền trong một quốc gia đã là một điều khó khăn to lớn, thăm thú hết vẻ đẹp của một lục địa? Tôi coi nó là một điều phi thường.

    Con người ta thường ngại ngần việc đi du lịch ở những miền đất khác, đặt biệt là những địa điểm ngoài nước bởi những khó khăn như chi phí tốn kém, rào cản văn hóa và ngôn ngữ và trên hết, là sự khó khăn trong tiếp thu những sự vật, chi tiết khác lạ so với cuộc sống thường nhật. Trong du ký, tính cách mỗi cá nhân thể hiện rất rõ qua những chuyến đi. Mỗi một hành trình, dẫu có cùng đích đến, đều mang cá tính riêng biệt. Tất cả du ký đều mang đến những vùng đất mới, những giá trị văn hóa khác biệt. Nhưng trên hết, điều trân quý nhất trong những cuốn du ký chính là kinh nghiệm, là phong cách đặc trưng của tác giả. Phương Đông lướt ngoài cửa sổ chắp bút bởi Paul Theroux chính là một ví dụ điển hình cho một cuốn sách du ký chất lượng và xứng đáng được tôi, cũng như các bạn, thưởng thức và thả mình cùng phiêu du trên những chuyến hành trình đặc sắc của nhà văn.


    Quý độc giả thân mến, đặt mình vào hoàn cảnh thế giới hiện giờ khi mà đại dịch COVID-19 hoành hành, vô vàn bất ổn chính trị và xã hội đang nổ ra,… thì tôi thiết nghĩ, đôi lúc chúng ta cần trốn tránh khỏi sự thật một chút và chìm đắm trong thế giới của riêng mình. Chìm đắm bằng cách nào? Với tôi mà nói, cách dễ nhất chính là đắm mình vào trang sách. Tôi thường ưu tiên những cuốn sách được viết trong hai thập kỷ gần đây bởi chúng, một phần nào đó, có nội dung, cách hành văn và tư tưởng “hợp thời” với nhân sinh quan, thế giới quan của tôi. Tôi không dám chắc mình có thể giữ cho cái đầu “lạnh” để mà suy xét, ngẫm nghĩ những thứ đã quá “xa” so với thời đại của mình, và cũng không thể đảm bảo “mình” có đủ kinh nghiệm hay khả năng để đánh giá chúng một cách khách quan nhất.

    Tôi đã thử thách bản thân bằng việc lựa chọn một thể loại chưa bao giờ ngó ngàng tới: Du ký và đi lên một chuyến hành trình tại gia qua góc nhìn gai góc của một lữ khách đến với mảnh lục địa trù phú châu Á. Nói nhỏ với quý độc giả, tôi thường không hay chạm đến những cuốn sách mang tính cá nhân bởi trước hết, tôi không có những trải nghiệm như người viết và do đó, không thể nào đồng cảm và đắm mình hoàn toàn vào trong lời văn của họ, không thể đánh giá hành trình trong cuốn sách đó một cách công tâm nhất. Vì vậy, các bạn độc giả xin thứ lỗi cho tôi nếu trong bài viết này còn tồn tại những hạt sạn và hãy cùng tôi trải nghiệm hành trình đến với châu Á!

    Quý độc giả thân mến, chào mừng đến với chuyến tàu Phương Đông lướt ngoài cửa sổ (The Great Railway Bazaar) qua con mắt của Paul Theroux.

    Người dẫn dắt chúng ta qua chuyến hành trình này là Paul Theroux – một nhà văn du ký nổi tiếng người Mỹ sinh năm 1941. Nét đặc sắc trong các tác phẩm của Theroux là những cảm xúc chân thật của khát khao khám phá, muốn dấn thân chứ không đơn thuần kể lại hành trình. Tác phẩm Phương Đông lướt ngoài cửa sổ của ông được tờ Nhật báo Telegraph đánh giá là một trong 20 cuốn sách du ký hay nhất mọi thời đại. Thậm chí, Jennifer Schuessler, phóng viên của tờ The New York Times còn nói:

    Theroux đã khởi xướng cho cuộc bung nở của thể loại du ký hiện đại với Phương Đông lướt ngoài cửa sổ, cuốn sách đạt thành công lớn lao và vang dội, ghi lại cuộc hành trình dài 40 nghìn cây số xuyên châu Á của ông.


    Phương Đông lướt ngoài cửa sổ – Cuộc hành trình bốn tháng rưỡi rong ruổi trên mảnh đất châu Á

    Qua hơn 500 trang sách, Theroux ghi lại chuyến đi bốn tháng rưỡi với hơn 30 chuyến tàu từ London đến Trung Đông, qua Ấn Độ, ghé Đông Nam Á, dừng chân ở Nhật Bản rồi xuyên Siberia để về lại Châu Âu. Khi lựa chọn du ký thì chúng ta luôn phải sẵn sàng với việc đây là hành trình của một cá nhân. Do đó những trang sách sẽ luôn tồn tại những thứ được ưu ái hơn và những điều không được thích thú cho lắm. Trong hoàn cảnh này, chúng ta có thể rõ ràng thấy được quan điểm cá nhân của tác giả đối với từng địa điểm, từng quốc gia khác nhau trong chuyến hành trình của mình.

    Phương Đông lướt ngoài cửa sổ là cái tên được dịch sang tiếng Việt với một sự khôn khéo và thấu hiểu của dịch giả đối với tác phẩm này bởi những chuyến hành trình trong đây đúng thực đã “lướt” qua con mắt độc giả, y như phong cảnh chúng ta ngắm nhìn khi đi tàu hỏa vậy. Mới đọc thì tôi thiết nghĩ bốn tháng rưỡi là một quãng thời gian dài và đủ. Tuy nhiên, khi đặt nó bên cạnh diện tích của châu Á (44.580.000 km2) và bên cạnh số lượng những quốc gia tồn tại ở nơi đây (bao gồm 50 quốc gia độc lập) thì quả thật khoảng thời gian xấp xỉ 135 ngày ấy là không thể nào đủ để có thể ngắm nhìn trọn vẹn vẻ đẹp của mảnh lục địa này.

    Nhắc lại một lần nữa, bởi đây là chuyến hành trình cá nhân tự túc, chúng ta không thể đòi hỏi một con người quá nhiều và suy cho cùng, 500 trang bằng tiếng Việt đã là một số lượng vừa đủ để chúng ta phần nào mường tượng được bức chân dung châu Á lộng lẫy. Cuốn sách được nhà văn chia nhỏ thành 30 chương và mỗi chương có độ dài khác nhau, dao động từ 10 đến 60 trang sách. Cụ thể tiêu đề từng chương, các bạn độc giả có thể tra cứu trên mạng bằng thiết bị di động của bản thân bởi việc liệt kê toàn bộ 30 chương sẽ là một sự bất tiện và không cần thiết. Tuy vậy, những chương sách tôi tâm đắc nhất trong tác phẩm, và hi vọng các bạn độc giả cũng có cùng quan điểm có thể kể đến chương 3 – Chuyến tàu tốc hành Hồ Van hay chương 24 – Tàu khách Sài Gòn – Biên Hòa.

    Bây giờ hãy cùng tôi điểm qua một vài nét đặc sắc nhất cũng như những hạt sạn có trong Phương Đông lướt ngoài cửa sổ nhé.

    Óc quan sát tinh tế và tình yêu lớn với thiên nhiên

    Paul Theroux yêu thiên nhiên sâu sắc.

    Vì tình yêu lớn lao với thiên nhiên mà bao phủ dày đặc toàn bộ cuốn sách là những tính từ miêu tả chân thực và đặc sắc mà Theroux dành cho cảnh quan những vùng đất ông đi qua. Châu Âu là sự tương phản giữa những ngọn đèn neon sáng lóa trong nhà ga thành phố và sự thênh thang của những cánh đồng và những đoàn du mục; rìa Âu – Á pha tạp giữa sự tân thời của thời đại mới và những thành phố cũ kĩ của thế kỷ trước, giữa cái nắng và gió của đồng cát đỏ và sự cô tịch, hoang vu của những triền núi tuyết vạn năm, rồi Ấn Độ, Singapore,… hiện lên trước mắt độc giả với những cảnh sắc thiên nhiên tuyệt vời nhất. Dù là những cánh đồng hoang không có dấu hiệu của sự sống hay những rặng đồi xanh mướt trải dài qua khung cửa sổ, ông đều nghiền ngẫm thật kỹ rồi lựa chọn những tính từ sắc, mang tính miêu tả và độ chính xác cao.

    Cầm cuốn sách trên tay và đọc, nhiều lúc tôi bị choáng ngợp và phù phép.

    Châm ngôn của tôi khi viết review chính là gây sự tò mò cho độc giả bằng trải nghiệm đọc của tôi, chứ không phải qua sự tiết lộ nội dung của cuốn sách. Trước hết, như đã nói ở trên, Paul Theroux yêu thiên nhiên và cống hiến mọi sự sử dụng ngôn ngữ của mình để khắc họa cái cảnh sắc của từng địa điểm cho chúng ta. Trên mỗi chuyến tàu, thiên nhiên được ông ưu ái nhất và con người luôn xếp đằng sau thiên nhiên. Mở đầu từng chương có thể là những đoạn ông miêu tả con người, những cuộc đối thoại với các hành khách cùng khoang hay những trải nghiệm của ông, nhưng khi tôi đọc, tôi cảm nhận được rằng dường như thiên nhiên mới là chủ đề chính mà ông muốn cho chúng ta xem. Những đoạn văn hay đôi khi chỉ là những câu miêu tả thiên nhiên khá ngắn nhưng lại nặng trĩu sự trân trọng.

    Viết đến đây tôi cũng phải giành tặng một lời khen cho dịch giả của cuốn sách này bởi sự tài tình trong việc sử dụng và lựa chọn từ ngữ. Cá nhân tôi là một người không có một vốn tiếng Việt quá cao siêu, do vậy, tôi rất trân trọng và thán phục những ai có thể làm chủ khả năng ngôn ngữ của mình, như dịch giả và tác giả của Phương Đông lướt ngoài cửa sổ vậy.

    [​IMG]

    Con người trần trụi và những ấn tượng ban đầu

    Con người, như tôi đã nói trên, là một thứ quan trọng chỉ sau thiên nhiên trong trang sách của Theroux. Con người có mặt ở khắp nơi, những thành phố, vùng nông thôn sinh ra và phát triển do con người nên dù thích hay không, những vị hành khách trên cùng chuyến tàu trong chuyến hành trình của nhà văn xuất hiện với một sự quan sát kĩ càng nhất.

    Chương 1 – Chuyến tàu 15 giờ 30 – từ Luân Đôn đi Paris. Vị hành khách đầu tiên xuất hiện trong hành trình của Theroux là người đàn ông mang tên Duffill. Ông này đã để lại một ấn tượng mạnh với tôi, một phần là do ông ta là người hành khách đầu tiên trong chuyến tàu đầu tiên của nhà văn, một phần là do cách ông ta rời khỏi những trang sách của tác giả: lỡ tàu. Một lí do thật hài hước, nhưng thể hiện rõ cái tính “thực” của thể loại du ký. Trong suốt chuyến hành trình bốn tháng rưỡi, những vị khách đồng hành cùng nhà văn nhiều vô số kể. Người này dừng chuyến đi của mình ở một nhà ga nào đó và kết thúc cuộc gặp gỡ với Theroux một cách lãng xẹt thì tức khắc ngay sau đó, một vị hành khách khác xuất hiện. Con người trong Phương Đông lướt ngoài cửa sổ phần nào cũng “lướt” như thiên nhiên. Cuộc gặp gỡ giữa họ và tác giả chỉ gói gọn trong vài trang sách. Họ xuất hiện nhanh như cách họ biến mất vậy.

    Một điểm tương đồng giữa con người và thiên nhiên trong cuốn sách này chính là việc tác giả sử dụng những từ ngữ miêu tả rất “thực”, đôi lúc còn trần trụi để diễn tả chúng. Tôi, khi cầm cuốn sách trên tay, đôi lúc còn ngỡ như những vị hành khách ấy đang xuất hiện trước mắt, nói chuyện với tôi qua góc nhìn của Paul Theroux vậy. Trải nghiệm này vừa lạ vừa quen. Bởi chính chúng ta cũng như tác giả, khi vừa gặp mặt một ai đó, thường có những ấn tượng một cách chân thực và vội vã nhất. Điều đặc sắc nhất ở con người trong Phương Đông lướt ngoài cửa sổ chính là họ chỉ xuất hiện qua những đánh giá mang tính chủ quan cao và đã biến mất trước khi chúng ta có thể suy ngẫm quá nhiều về họ. Đây là một đặc điểm của thể loại du ký mà tôi thiết nghĩ tôi cần làm quen.

    [​IMG]

    Niềm quý mến đối với xe lửa

    Khi lựa chọn đi lên cuộc hành trình dài ngày này, tác giả ngay từ những chương đầu tiên đã dẫn dắt ta đi lên những khoang giường nằm hạng nhất của đoàn tàu. Tôi coi đây là một sự tinh tế và một sự thấu hiểu cái bản chất “thực” của việc đi du lịch đến tột cùng của Theroux. Ngày nay hiếm hoi còn ai đi du lịch bằng tàu hỏa bởi chúng ta đã có vô vàn lựa chọn nhanh chóng khác. Tôi khi đọc cuốn sách lại trân trọng sự lựa chọn phương tiện di chuyển này của tác giả, bởi chỉ có xe lửa mới đem lại một góc nhìn sắc nét đến vậy. Các bạn độc giả hãy nhớ là xe lửa chạy bằng đường sắt mà không phải những tàu cao tốc lao nhanh với vận tốc hàng trăm km/h mới được coi là một sự hưởng thụ. Như đã nói trên, 80% chuyến hành trình đến với châu Á xuất phát từ châu Âu của nhà văn được viết trên những giây phút ông ta nhìn ngắm mọi thứ qua khung cửa sổ của khoang tàu. Không quá nhanh cũng không quá chậm, không quá êm và “mượt” mà xen lẫn những khoảng xóc nảy, không quá yên tĩnh cũng chẳng ồn ào, đây chính là cảm giác đi trên xe lửa. Chúng ta như đắm chìm cùng với nhà văn, lắc lư nhẹ nhàng trên chuyến tàu và ngắm nhìn cảnh vật theo nhịp tàu chạy trên đường ray.

    Những phương tiện di chuyển khác xuất hiện trong cuốn sách với tần suất không dày đặc, có thể nói là hiếm hoi. Nhưng mỗi khi xuất hiện, chúng đều chỉ lướt qua, đôi khi còn đem lại cho Paul những trải nghiệm không mấy vui vẻ để rồi ông ta trở lại khoang tàu giường nằm hạng nhất và tiếp tục hành trình của mình.

    [​IMG]


    Sạn

    Đối lập với những du ký khác, trong Phương Đông lướt ngoài cửa sổ, tôi không bắt gặp sự háo hức.

    Xuyên suốt cuốn sách là ánh nhìn chán nản, sự thất vọng và tinh thần buộc phải hòa nhập. Afghanistan trong cơn bất ổn, Ấn Độ bẩn thỉu và phân cấp, Sri Lanka nghèo đói, Singapore ‘sẽ không đến lần thứ hai’, Thái Lan dậy mùi giải trí và t ì n h d ụ c, ‘Việt Nam với những đoạn đường sắt ngắt quãng bởi bom mìn’, ‘Liên Xô với chiều dài khiến tôi giận dữ’,… Chúng ta có thể thấy rõ tâm trạng, cảm xúc của một con người trong cách họ hành văn và trong hoàn cảnh này, sự háo hức thường được bắt gặp khi đi du lịch, khám phá dường như không tồn tại trong tác phẩm. Tôi thiết nghĩ, con người ta thường mang trong mình một sự nao nức nhất định khi được tìm hiểu một thứ gì mới, khi được trải nghiệm trên các cuộc hành trình. Ở những chương đầu tiên, tôi có thể thấy được một chút háo hức trong giọng văn của tác giả, tuy nhiên, sự háo hức ấy dường như đã bị chai sạn và dần biến mất, không để lại chút tung tích.

    Điều này được thể hiện rõ qua hành động luôn thường trực mong mỏi ‘tôi muốn có một toa ngủ của riêng mình’ của Theroux. Trả thêm tiền tip, cò kè mặc cả với những gã soát vé, bán vé,… để được lên khoang giường nằm là những hành động quen thuộc xuất hiện xuyên suốt các chương sách. Ngoài ra, ngay cả những mẩu hội thoại trên tàu, dù trên bề mặt rất êm xuôi, nhưng tôi cảm tưởng rằng nó không mang màu sắc “thật” như cách ông miêu tả thiên nhiên. Mọi lời nói với người đồng hành ngắn hạn chỉ dùng cho mục đích xã giao, và chỉ dừng ở đấy mà thôi.

    Dù óc quan sát và ngòi bút miêu tả khiến cho cảnh vật sinh động, tôi cảm thấy tác phẩm thiếu mất chất “tình”. Và tôi cho rằng, đôi lúc, ông trong tôi có phần ‘trịch thượng’ và ‘cay nghiệt’. Suy cho cùng, tác phẩm được viết ra trong thời kỳ những năm 70 của thế kỷ trước. Do vậy, thật dễ hiểu khi quan điểm chính trị, xã hội của tác giả có đôi phần khác biệt so với thế giới hiện đại ngày nay. Tôi nhận thấy nếu đọc Phương Đông lướt ngoài cửa sổ dưới con mắt khách quan và thấu hiểu, thì các bạn độc giả sẽ có thể hưởng thụ chuyến hành trình đến với châu Á này một cách trọn vẹn nhất.

    Kết

    Dịch giả đã viết một câu ở bìa sau của sách khiến tôi khá tâm đắc.

    Ngòi bút của ông đã khiến châu Á hiện ra như có thể chạm vào, nếm được, ngửi thấy, và khơi dậy trong ta nỗi thôi thúc một ngày bỏ xa cuộc sống nhàm nhạt quen thuộc, đeo hành lý và nhảy lên một con tàu nào đó, để nếm trải mọi thanh âm của cuộc sống bao la.

    Đọc xong Phương Đông lướt ngoài cửa sổ, nỗi thao thức muốn được trải nghiệm, muốn được đến với những miền đất mới lạ của bản thân tôi càng lớn hơn. Điều đáng tiếc là thế sự ngày nay không cho phép chúng ta cất cánh bay nhảy ở những bãi biển ngập tràn ánh nắng hay trải mình trong làn gió trên ngọn đồi xanh mướt. Hy vọng các độc giả sẽ cùng tôi có một trải nghiệm du lịch châu Á tại gia tuyệt vời qua những trang sách của Phương Đông lướt ngoài cửa sổ!

    Review chi tiết bởi: Fang – Bookademy

    Hình ảnh: Fang – Bookademy

    Nguồn: https://www.ybox.vn/vien-sach-bookademy/review-sach-phuong-dong-luot-ngoai-cua-so-chan-dung-chau-a-nhung-nam-70-qua-con-mat-nguoi-lu-hanh-609e156daaa8d411e4ac371a



    The post [Review Sách] “Phương Đông Lướt Ngoài Cửa Sổ”: Chân Dung Châu Á Những Năm 70 Qua Con Mắt Người Lữ Hành appeared first on Điểm sách, Book review.
     
DMCA.com Protection Status