Viêm ruột thừa gây ra do nhiễm khuẩn trong lòng ruột thừa bị bít tắc. Sự quá sản tổ chức lympho ở thành ruột thừa là nguyên nhân chính gây tắc lòng ruột thừa. Ngoài ra có thể gặp các nguyên nhân gây tắc khác: sỏi phân, ký sinh trùng (giun đũa chui vào ruột thừa), các dị vật (hạt quả) … Khi lòng ruột thừa bị tắc gây ứ đọng dịch tiết dẫn tới tăng áp lực trong lòng ruột thừa, ứ trệ tuần hoàn, vi khuẩn phát triển chuyển chất tiết thành mủ. Giai đoạn đầu quá trình này gây viêm, phù thành ruột thừa và có những nốt loét ở niêm mạc ruột thừa. Khi mổ thấy trong ổ bụng có nước dịch tiết trong, vô khuẩn ở vùng hố chậu phải, ruột thừa sưng to mất bóng, các mạch máu giãn to trên thành ruột thừa. Đây là viêm ruột thừa sung huyết. Nếu tiếp tục phát triển, quá trình viêm càng làm tăng áp lực dẫn tới ứ trệ tuần hoàn tĩnh mạch và thiếu máu nuôi dưỡng. Vi khuẩn phát triển ra thành ruột thừa. Khi mổ trong ổ bụng có dịch đục, ruột thừa viêm mọng, có giả mạc xung quanh, trong lòng chứa mủ. Giai đoạn này là viêm ruột thừa mủ. Trong trường hợp khi mạch máu ruột thừa bị tắc do huyết khối, nhiễm khuẩn do vi khuẩn yếm khí dẫn tới hoại tử ruột thừa, thấy trên ruột thừa có những nốt hoại tử hay toàn bộ ruột thừa màu cỏ úa, mủn nát. Giai đoạn cuối khi ruột thừa thủng dẫn tới mủ chảy ra ngoài. Nếu được khu trú lại bởi tổ chức xung quanh gồm ruột, mạc nối, phúc mạc dính lại sẽ tạo thành ổ áp xe ruột thừa. Trong trường hợp mủ chảy vào ổ phúc mạc tự do sẽ gây viêm phúc mạc toàn thể. Một số trường hợp, ruột thừa viêm chưa vỡ, các tổ chức xung quanh phản ứng bảo vệ tạo ra đám quánh ruột thừa. <Bệnh học ngoại khoa - ĐH Y Hà Nội> * Viêm ruột thừa hiếm gặp ở trẻ em dưới 2 tuổi và người già: - Ở trẻ em, khi mới sinh chân ruột thừa rộng hình chân kim tự tháp. Từ 2 tuổi chân ruột thừa dần khép lại, chân nhỏ lại làm lòng ruột thừa cũng hẹp theo nên ruột thừa dễ bị tắc và gây viêm. Ngoài ra số lượng nang bạch huyết khi mới sinh còn hạn chế nên viêm ruột thừa hiếm gặp ở tuổi này. - Số lượng nang bạch huyết tăng lên không ngừng để tới tuổi trưởng thành tối đa đạt 200 nang và sau đó sẽ giảm và dần dần biến mất sau 60 tuổi. Điều này giải thích viêm ruột thừa giảm dần theo tuổi. * Đau trong viêm ruột thừa: - Đau xuất hiện tự nhiên hoặc nằng nặng, tưng tức ở hố chậu phải, đau không lan. Có thể đau thượng vị, quanh rốn sau đó khu trú ở hố chậu phải, ít khi đau dữ dội. Chỉ đau dữ dội khi ruột thừa căng sắp vỡ hoặc giun chui vào ruột thừa. - Đau lan trong viêm ruột thừa: Đau tạng (thượng vị, quanh rốn) -> đau thành (hố chậu phải). [+ Đau tạng: Xảy ra khi các tạng rỗng như đường tiêu hóa hay đường mật co mạnh một cách khác thường hoặc bị căng hay phồng lên, kích thích đầu tận thần kinh cảm giác ở phúc mạc tạng. Vì phúc mạc tạng ít nhạy với cảm giác đau nên đau tạng thường khó khu trú hay khó định vị (mơ hồ). + Đau thành: Bắt nguồn từ viêm ở phúc mạc thành. Nó thường ổn định, đau nhức, nặng hơn đau tạng và dễ khu trú do phúc mạc thành rất nhạy với cảm giác đau. Đau thành tăng lên khi ho hay vận động, bệnh nhân thường thích nằm một chỗ.] + Khi ruột thừa bị viêm tắc, phúc mạc thành bị căng gây cảm giác đau tạng, cảm giác này mơ hồ, mặt khác ruột thừa và ruột non có chung nguồn gốc là ruột giữa => do đó kích thích đau dẫn truyền về vỏ não sẽ qua một tầng tủy sống nên vỏ não sẽ hiểu nhầm là kích thích đau đến từ vùng thượng vị hay quanh rốn. + Khi có dịch viêm quanh ruột thừa, chúng sẽ kích thích phúc mạc thành gây cảm giác đau thành (khu trú ở hố chậu phải). - Đau ở hố chậu phải do nhiều nguyên nhân ngoài viêm ruột thừa, mặt khác đau ruột thừa không bắt buộc phải đau ở hố chậu phải ( khi ruột thừa không tiếp xúc được với phúc mạc thành ở vị trí bất thường: dưới gan, sau manh tràng, tiểu khung,...) => Khi cơn đau bụng cấp xảy ra ở người trẻ kéo dài trên 6 giờ (đau ở bất cứ đâu): Nghi ngờ viêm ruột thừa để tránh bỏ sót và ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân.
Hồi trước soạn bài slide ..các bác bạn thao khảm,chỉnh sữa http://www.mediafire.com/file/j3je7ffepfjyrgg/VRT.pptx